Chỉ số môi trường: Đừng nhập nhèm rừng trồng, rừng tự nhiên!

Theo GS.TS Bảo Huy, phải quán triệt quan điểm không thể lấy rừng trồng để thay thế cho rừng tự nhiên trong câu chuyện carbon này.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia lâm nghiệp - GS.TS Bảo Huy (Đại học Tây Nguyên) đánh giá, đây là một đề xuất tốt. Theo nguyên tắc được áp dụng trên thế giới, rừng hấp thụ khí CO2 và khí nhà kính. Người ta sẽ tính toán chỗ nào phát triển công nghiệp mà phát thải CO2 nhiều quá, vượt ngưỡng cho phép thì phải mua lại tín chỉ carbon.

Tại Việt Nam, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã đề cập đến việc chi trả carbon và thực tế, Việt Nam cũng đã khởi động chương trình giảm phát thải từ suy thoái và mất rừng kết hợp với bảo tồn, quản lý bền vững rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng (cơ chế REDD+) từ năm 2009 với sự hỗ trợ của FAO - Liên hợp quốc. Chương trình này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy quản lý rừng tự nhiên bền vững để chi trả dịch vụ môi trường, nó có tính toàn cầu mà trong đó Việt Nam là một thành viên.

Theo đó, nó sẽ đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới mỗi nước. Sau một giai đoạn nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường dựa trên sự giảm thiểu này. Các tín chỉ sau đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu hoặc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng).

"Để chờ quốc tế chi trả thì còn rất lâu vì việc đánh giá căn cứ về mặt minh bạch thông tin rất khó, do đó chúng ta làm trong nước trước. Chính phủ đang thử nghiệm một số chương trình, trong đó đề nghị một số cơ sở công nghiệp phát thải phải trả dịch vụ môi trường rừng, tức trả phí phát thải carbon cho những người quản lý, bảo vệ rừng", vị chuyên gia cho biết.

Cho rằng đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 mà Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu cũng theo hướng trên, song GS.TS Bảo Huy cũng đề nghị cần làm rõ định nghĩa cụ thể về chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 mà đề xuất đã nêu. Việc ước tính sinh khối, trữ lượng carbon rừng lưu giữ và lượng CO2 hấp thụ hoặc phát thải trong quá trình quản lý rừng ở Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết, nhằm cung cấp thông tin dữ liệu phát thải CO2 từ quản lý rừng đáng tin cậy theo yêu cầu của IPCC (2006), từ đó để có thể xác định tín chỉ carbon rừng trong giảm phát thải và thu được nguồn tài chính từ dịch vụ môi trường hấp thụ CO2 từ rừng.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế để vận hành, tính toán ai mua, ai bán, trả bao nhiêu...

Bên cạnh việc trồng rừng hấp thụ carbon phải bảo vệ các khu rừng tự nhiên. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc trồng rừng hấp thụ carbon phải bảo vệ các khu rừng tự nhiên. Ảnh minh họa

Từ kinh nghiệm trên thế giới, vị chuyên gia cho biết, có hai cách để giảm phát thải: một là buộc phải thay đổi công nghệ; hai là trong trường hợp không thay đổi công nghệ thì phải mua lại carbon của các khu rừng hấp thụ chúng, bù lại phần phát thải của khu vực đó, quốc gia đó.

Ở đây, người ta sẽ xác định một ngưỡng carbon mà một quốc gia hay một khu vực với diện tích, dân số nhất định được phát thải, nếu việc phát thải vượt ngưỡng đó thì quốc gia đó, khu vực đó phải trả tiền phát thải.

Cá nhân GS.TS Bảo Huy đã có nghiên cứu khoa học và tư vấn cho Tổng cục Lâm nghiệp về vấn đề chi trả carbon rừng. Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý đến cơ chế AR-CDM, tức cơ chế phát triển sạch, trong đó có trồng rừng hoặc tái trồng rừng.

"Trồng rừng hấp thụ carbon không quan trọng bằng việc quản lý bền vững rừng tự nhiên. Nếu cứ chặt rừng tự nhiên rồi nói trồng rừng hấp thụ carbon để trả là sai hoàn toàn.

Ngay cơ chế REDD+ Giảm phát thải khí nhà kính từ phá rừng và suy thoái rừng, vai trò của bảo tồn, quản lý bền vững rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng ở các nước đang phát triển cũng đã xác định: phải cố gắng bảo vệ các khu rừng tự nhiên, giảm mất rừng tự nhiên để từ đó rừng tự nhiên được phục hồi, hấp thụ carbon.

Rừng tự nhiên không chỉ hấp thụ carbon mà còn bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, do đó không thể lấy rừng trồng để thay thế cho rừng tự nhiên trong câu chuyện carbon này", GS.TS Bảo Huy nêu rõ và nhấn mạnh, carbon chỉ là một trong những giá trị môi trường của rừng.

"Rừng có rất nhiều giá trị môi trường, mà rừng trồng thì giá trị môi trường rất thấp. Có thể trồng rừng mọc nhanh, hấp thụ carbon nhanh, nhưng ngược lại nó không đa dạng sinh học, không giữ đất, giữ nước tốt, không cung cấp sinh kế cho cộng đồng, do đó ý nghĩa không nhiều lắm. Nếu cứ nghĩ rằng trồng rừng hấp thụ carbon, còn rừng tự nhiên chặt bao nhiêu cũng được thì sẽ là lợi bất cập hại", vị chuyên gia kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/chi-so-moi-truong-dung-nhap-nhem-rung-trong-rung-tu-nhien-3425037/