Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội đạt trên 80%

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội TP tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP qua dịch vụ bưu chính công ích và qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giảm đi lại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về công tác CCHC năm 2020, trong năm qua TP Hà Nội đã tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh TP (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của TP Hà Nội (SIPAS).

Kết quả CCHC của TP được Trung ương ghi nhận, đánh giá rất cao, Chỉ số CCHC của TP Hà Nội năm 2019 tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, TP- tiếp tục ổn định và duy trì thứ hạng cao của năm 2018. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, TP-đây là năm thứ 2 TP Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm.

TP tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC. Tích cực triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3, 4. TP đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan, tổ chức thuộc TP. Đây là cơ sở pháp pháp lý quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, xây dựng TTHC liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc TP trong thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. TP đã ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực từ 14-10-2020. Việc ban hành Quy định này, sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thuộc TP chủ động kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị linh hoạt, hiệu quả và nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Đồng thời, TP tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP qua dịch vụ bưu chính công ích và qua DVCTT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giảm đi lại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đặc biệt trước tình hình dịch bệnh Covid-19.

TP tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua tổ chức thi tuyên truyền quy tắc ứng xử, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị.

Người dân khi đến bộ phận một cửa tại các cơ quan, đơn vị hành chính có mức độ hài lòng cao (ảnh P.C)

Người dân khi đến bộ phận một cửa tại các cơ quan, đơn vị hành chính có mức độ hài lòng cao (ảnh P.C)

Công tác cải cách tài chính công tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. TP đã được Quốc Hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức TP đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra đột xuất, không báo trước, tập trung vào các vấn đề liên quan đến tiến độ kết quả thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch TP giao và xử lý các vấn đề sau kiểm tra, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm.

Cùng đó, TP luôn xác định kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ là một trong các biện pháp để đẩy mạnh CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục những tồn tại, yếu kém góp phần nâng cao, cải thiện các Chỉ số: PARINDEX, PAPI, SIPAS, PCI. Năm 2020, Đoàn kiểm tra của TP đã kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất không báo trước đối với 59 cơ quan, đơn vị TP. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ quan, đơn vị thuộc TP về cơ bản đã quán triệt và thực hiện đúng quy định của Nhà nước và TP về công tác tổ chức cán bộ, thực hiện việc đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức, việc tiếp công dân được duy trì ổn định, không có phản ánh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc theo quy định. Công tác tiếp công dân được quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều có lịch phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và người lao động làm việc luân phiên trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo giải quyết hồ sơ cá nhân, tổ chức theo yêu cầu công việc, phù hợp với yêu cầu Chống Covid-19 trong giai đoạn mới.

Một điểm đáng chú ý trong công tác CCHC của Hà Nội là quá trình thực hiện đã có một số sáng kiến, giải pháp được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả như giải pháp thay đổi phương thức nộp hồ sơ mua nhà tái định cư của các hộ dân đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn-Ga Hà Nội; Sở Y tế, Sở GD-ĐT, các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức đã triển khai Chính quyền điện tử của đơn vị mạng xã hội (Zalo, Facebook) nhằm giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin các TTHC của đơn vị cung cấp. Quận Hà Đông triển khai giải pháp “Nhận diện khuôn mặt trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa của Quận”. Huyện Thanh Oai thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ công dân sử dụng DVCTT tại nơi ở. Quận Cầu Giấy tổ chức tọa đàm trực tuyến đồng thời ra mắt trang thông tin tọa đàm trực tuyến nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dân, tổ chức về về đối thoại TTHC.

Quận Long Biên đã tiên phong đi đầu trong xây dựng và triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân đôi với sự phục vụ của các trường học công lập thuộc quận; bộ chỉ số đánh giá năng lực của người đứng đầu các trường học và bộ văn bản mẫu trong công tác chỉ đạo điều hành của các nhà trường. UBND huyện Đông Anh ban hành một văn bản quy định về quy chế tuyển chọn đội ngũ cán bộ, quản lý giáo viên, nhân viên trường phổ thông công lập theo định hướng mô hình chất lượng cao huyện Đông Anh…

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-to-chuc-voi-su-phuc-vu-cua-cac-co-quan-don-vi-thuoc-tp-ha-noi-dat-tren-80-222222.html