Chỉ số giá tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tháng 9/2018 tăng 0,81%

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 của TP tăng 0,81% so với tháng 8/2018 và tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 9/2018 là mùa tựu trường nên nhóm giáo dục tăng giá với mức tăng 5,22% so với tháng trước

Cụ thể, trong tổng số 11 nhóm hàng được thống kê trong tháng 9/2018, có 10 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, dẫn đầu là nhóm giáo dục với mức tăng 5,22% so với tháng trước; tiếp đó là nhóm giao thông với mức tăng 1,01% so với tháng trước.

Các nhóm hàng tăng giá trong tháng còn lại gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,43%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,33; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%.

Bên cạnh những nhóm hàng tăng giá kể trên, trong tháng 9/2018 có 1 nhóm hàng giảm giá là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Ngoài ra, ngược chiều với chỉ số CPI, chỉ số vàng giảm ở mức 0,24% và chỉ số USD tăng 0,09 % so với tháng 8/2018.

Trên phạm vi cả nước, theo đánh của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, cho thấy diễn biến của lạm phát tháng 9 và 9 tháng/2018 cơ bản trùng khớp với dự báo từ đầu năm. Chỉ số CPI của tháng 9 - dù là tháng cao điểm trong mùa tuyển sinh, khai giảng năm học mới, áp lực tăng học phí, giá các đồ dùng, dụng cụ giảng dạy học tập, kết hợp với giá dầu thế giới tăng cao nhưng CPI chỉ tăng 0,59% so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo (0,6% - 0,7%). Lạm phát trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội là dưới 4%. Từ phía các bộ, cơ quan, địa phương chủ động áp dụng nhiều giải pháp từ bình ổn, kiểm soát giá cả, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí của nền kinh tế đã đạt kết quả tích cực trong việc kiểm soát lạm phát.

Trong những tháng còn lại của năm 2018 các bộ, ngành, các tỉnh thành phố cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, thiên tai, bão lũ để có giải pháp điều hành phù hợp và chuẩn bị các nguồn cung kịp thời để hạn chế tăng giá, điều hòa cung cầu. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5% - 1,6%.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/chi-so-gia-tieu-dung-tp-ho-chi-minh-thang-92018-tang-081-109540.html