Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng thấp nhất trong 3 năm

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 10 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 10 tháng năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp

Tổng cục Thống kê cho biết, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung thịt lợn giảm, giá gas, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới và điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 10 trong 3 năm gần đây, tăng 2,79% so với tháng 12/2018; tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân 10 tháng năm 2019, CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 10 tháng năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,04%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,06%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; Giao thông tăng 0,99%; Giáo dục tăng 0,19%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

 Bình quân 10 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh minh họa

Bình quân 10 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh minh họa

Đưa ra các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 22/10/2019, tổng số lợn tiêu hủy là 5,69 triệu con với tổng trọng lượng 327 nghìn tấn, tại thời điểm tháng 10/2019 đàn lợn đã giảm 20% so với cùng kỳ. Theo đó, nguồn cung thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tháng 10/2019 tăng 7,85% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,33%.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng ngày 1/10/2019 với giá xăng A95 tăng 920đ/lít, giá xăng E5 tăng 670đ/lít, giá dầu diezen tăng 430đ/lít và điều chỉnh giảm vào ngày 16/10/2019 với giá xăng A95 giảm 270đ/lít, giá xăng E5 giảm 310đ/lít, tổng cộng giá xăng A95 tăng 650đ/lít, giá xăng E5 tăng 360đ/lít, giá dầu diezen tăng 20đ/lít, bình quân tháng 10/2019 giá xăng dầu tăng 2,22% so với tháng trước làm tăng CPI chung khoảng 0,1%.

Ngoài ra, từ ngày 1/10/2019 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 24.000đồng/bình 12kg, tăng 7,62% so với tháng 9/2019 tác động đến CPI chung tăng 0,09%, do giá gas thế giới tăng 72,5USD/tấn lên mức 427,5USD/tấn. Và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 10/2019 như giá thịt gia cầm tươi sống và giá trứng giảm tương ứng 0,13% và 0,36% do nguồn cung dồi dào. Giá một số loại trái cây giảm như: quả có múi giảm 3,37%, táo giảm 0,6%, xoài giảm 1,07%, quả tươi khác giảm 0,23% do đang vào mùa thu hoạch. Giá vé tàu hỏa giảm 0,62% so với tháng trước do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiều chính sách giảm giá vé hấp dẫn sau thời gian cao điểm hè.

Chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định

Liên quan đến lạm phát cơ bản, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, tháng 10 năm 2019 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,99% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,92%.

Bình quân 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.

Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,92% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201910/chi-so-gia-tieu-dung-tiep-tuc-tang-thap-nhat-trong-3-nam-642694/