Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây

(VnMedia) – Sau hai tháng đầu năm tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã quay đầu giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2018, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I năm 2019, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 – đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 bất ngờ giảm

Theo Tổng Cục thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, cùng với việc dịch tả lợn châu Phi diễn ra ở 20 địa phương phía Bắc, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 đã giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2018, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân quý I năm 2019, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% - đây là mức giảm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

 Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Tổng Cục thống kê cho biết, so với tháng trước CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42%; May mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,17%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%. Có 4 nhóm tăng: Giao thông tăng 2,22%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,01%.

Nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm giúp CPI đi xuống

Đưa ra các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết, do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm từ 0,75% đến 5,3% so với tháng trước, đặc biệt giá thịt lợn giảm 5,3% do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42% góp phần giảm CPI chung 0,51%.

Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm ở hầu hết các mặt hàng trong nhóm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân giảm, giá các mặt hàng này đã trở lại bình thường, ngoài ra có một số nhóm hàng giảm do lượng cung dồi dào.

Cụ thể: Giá thịt lợn giảm 5,3% do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do vậy người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm thịt lợn làm cho giá bán thịt lợn giảm trên khắp cả nước.

Giá thịt bò, thịt gia cầm tươi sống trở lại mức giá trước Tết, bình quân tháng 3/2019 giá thịt bò giảm 1,8% và giá thịt gia cầm tươi sống giảm 1,07% so với tháng trước. Giá gà ta hiện chỉ còn từ 80.000 đồng/kg - 105.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn giá từ 40.000 đồng/kg - 52.000 đồng/kg.

Cùng với đó, giá vé tàu hỏa giảm 14,4% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé sau dịp Tết Nguyên đán. Giá vé ô tô khách giảm 5,22% do một số đơn vị kê khai tăng giá trước Tết, tháng 3/2019 giảm trở về giá cũ. Giá rau tươi giảm 1,53% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại.

Nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán.

Bên cạnh các nguyên nhân giảm, thì cũng có nhiều nguyên nhân làm tăng CPI tháng 3 vừa qua. Đó là, giá gas tăng 4,88% do các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng giá từ ngày 1/3/2019 với mức tăng 17.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới công bố ở mức 505 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với tháng trước đó.

Cùng với đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 2/3/2019 trong đó giá xăng A95 tăng 940 đồng/lít, xăng E5 tăng 960 đồng/lít, dầu diezel 0,05S tăng 960 đồng/lít so với tháng trước làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,2% và tăng CPI chung 0,21%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% chủ yếu tăng giá thép do giá quặng sắt và phôi thép trên thế giới tăng cao.

Đáng chú ý, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐBCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, tuy vậy việc tăng giá điện chưa ảnh hưởng nhiều vào giá điện trong tháng 3/2019 nên chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 3/2019 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201903/chi-so-gia-tieu-dung-quy-1-tang-thap-nhat-trong-3-nam-gan-day-630233/