Chỉ số điều kiện tài chính FCI: Thêm một công cụ dự báo biến động TTCK, tiền tệ

Ngày 5/1, Nhóm nghiên cứu độc lập của Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã tổ chức hội thảo khoa học công bố: 'Chỉ số điều kiện tài chính FCI - đo lường và ứng dụng tại Việt Nam'.

Chỉ số điều kiện tài chính - FCI (Financial Conditions Index) đã được các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và các tổ chức trên thế giới xây dựng và áp dụng nhưng ở Việt Nam thì đây có thể xem là lần đầu được công bố.

PGS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo báo cáo tại Hội thảo.

Hiện nay, FCI đã được tính toán và sử dụng tại nhiều tổ chức như Bloomberg FCI, Citi FCI, Deutsche Bank FCI, Goldman Sachs FCI, chỉ số căng thẳng tài chính của Cục dự trữ thành phố Kansas OECD FCI và nhiều quốc gia sử dụng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,…

Nhóm nghiên cứu của UEH đã đo lường và công bố chỉ số FCI của Việt Nam trong giai đoạn từ quý IV/2002 đến quý I/2017 dựa trên dữ liệu của 7 biến thành phần gồm nhóm nhân tố lãi suất, nhóm nhân tố tỷ giá, nhóm nhân tố thị trường chứng khoán (TTCK) và nhóm nhân tố tín dụng.

PGS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính UEH cho biết, FCI là chỉ số tổng hợp, tóm tắt tất cả các thông tin về điều kiện tài chính có liên quan đến triển vọng của nền kinh tế. Việc sử dụng một tập hợp lớn các thông tin sẽ giúp phản ánh chính xác điều kiện tài chính hiện tại cũng như tăng khả năng dự báo hoạt động kinh tế trong tương lai.

Do đó, FCI sẽ rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn công chúng trong việc nắm bắt và dự báo triển vọng của nền kinh tế. Đối với Chính phủ, chỉ số này giúp đưa ra các chính sách điều tiết và kịp thời; còn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và công chúng có thể hoạch định các quyết định tài trợ, đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm.

Ứng dụng của FCI có thể giúp dự đoán biến động của TTCK trong vài quý tiếp theo vì nó có thể phản ánh xu thế của chính sách tiền tệ, qua việc phản ánh điều kiện tài chính là đang siết chặt hay nới lỏng, để đưa ra dự báo về xu thế của dòng tiền, dòng tín dụng vào chứng khoán - những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến giá cổ phiếu.

Nó cũng có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá được các điều kiện tài chính năm nay là “chặt” hay “lỏng” hơn so với các năm khác. Nếu được thiết kế phù hợp, nó còn có thể là một thước đo rộng hơn của xu thế CSTT trong trung và dài hạn.

Chỉ số FCI và các bước đi chính sách tương ứng trong thực tiễn

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trương Văn Phước – Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhấn mạnh nghiên cứu này có những ý nghĩa nhất định nhưng cần phải bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện mô hình hơn như xem lại tỷ trọng, ý nghĩa kinh tế các biến số, bổ sung các biến số khác.

Cũng theo ông Phước, chỉ số FCI được xem như là một tập hợp con của một tập hợp lớn hơn các chỉ báo kinh tế - Leading Economic Indicators (LEI). Theo đó, FCI sẽ là bổ khuyết tốt cho sự thiếu vắng của các nhân tố trong LEI.

Còn TS. Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản trị rủi ro Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, ở các thị trường tài chính nước ngoài đã sử dụng khá nhiều FCI nhưng nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam vẫn chưa có nhiều dữ liệu để tiếp cận, do vậy chỉ số này có thể sử dụng trong thực tế. Hơn nữa, sự biến động của FCI sẽ phản ánh điều kiện tài chính là đang siết chặt hay nới lỏng, từ đó đưa ra dự báo về xu thế dòng tiền trên TTCK.

Đứng ở góc nhìn của một người làm trong ngành tiền tệ, ThS. Vũ Đức Hải – Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ Eximbank cho biết, FCI không chỉ phản ánh những điều kiện tài chính hiện tại mà còn dự báo điều kiện tương lai. Ông Hải khẳng định FCI là chỉ số rất quan trọng, đây là một dẫn xuất CSTT thông qua các điều kiện kinh tế đến với nền kinh tế và được nói nhiều trên thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đặc biệt quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách như Fed khi họp CSTT đã từng nhắc đến FCI.

Ông Hải cũng đưa ra một số ví dụ trên thế giới để nhìn nhận về thị trường Việt Nam. CSTT hiện tại của Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần kể từ mức 0% lên khoảng 1,5%, Fed tăng lãi suất thông thường được hiểu là thắt chặt tiền tệ, nhưng qua FCI thì các điều kiện tài chính lại cho thấy đang nới lỏng, thậm chí nới lỏng ở mức lớn nhất kể từ 1994, do vậy lãi suất tăng nhưng đồng đô la lại giảm 7% trong rổ tỷ giá tiền tệ do không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Ở châu Âu (EU) thì lại không thay đổi lãi suất, nhưng FCI của châu Âu đang ở mức thắt chặt, bằng chứng là đồng euro tăng giá rất mạnh so với đô la. Ở Việt Nam đã có 2 bộ chỉ số quan trọng là PMI và LEI, do đó FCI có thể tạm xem là chỉ số dự báo thứ 3 trong tương lai.

Huy Lê

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chi-so-dieu-kien-tai-chinh-fci-them-mot-cong-cu-du-bao-bien-dong-ttck-tien-te-2018010609524580p4c146.news