Chỉ số CPI và suy ngẫm từ 3 câu chuyện

6 tháng qua, mỗi lần chỉ số CPI được nhắc đến đều đáng quan tâm. Đằng sau diễn biến đáng ghi nhớ đó là nhiều câu chuyện cần lưu tâm.

Câu chuyện thứ nhất về nhóm hàng nông sản thực phẩm. Ở thị trường nội địa, nhóm này hiện có nguồn cung khá dồi dào, thậm chí có lúc cung lớn hơn cầu dẫn tới ứ thừa. Điệp khúc "được mùa mất giá" năm nào cũng xảy ra song chưa có cách khắc phục. Không những thế, giá cả bán lẻ nông sản, thực phẩm ở thị trường nội địa, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng Việt Nam lại cao hơn giá cả XK đi các nước. Ví dụ mặt hàng gạo tẻ, giá xuất khẩu là 9.000 - 10.000đ/kg thì giá bán lẻ tại các cửa hàng và siêu thị bình quân từ 16-18.000đ/kg, tất nhiên là phải cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế GTGT, nhưng không thể nhiều như vậy. Đường cũng tương tự, tồn kho đường là 680.000 tấn thời điểm cuối tháng 5/2018, nhà máy bán tháo ra thị trường tự do và XK tiểu ngạch chỉ được 11.500đ/1kg là “kịch kim”, nhưng tại các chợ, cửa hàng lẻ và siêu thị hầu hết đang bán giá lẻ khoảng 21.000 - 23.000đ/kg. Ví dụ này cho ta thấy một vấn đề chưa được giải quyết, đó là: Giá cả bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường nội địa vẫn đang cao một cách vô lý mà chưa kéo xuống được. Hiển nhiên, nó sẽ "đóng góp" cho CPI một vài % chưa chuẩn xác.

Câu chuyện thứ hai là xăng dầu nội địa. Các chuyên gia tính toán rằng tỉ lệ % giữa giá xăng dầu trên thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Pakistan. Tỷ trọng lần lượt của 3 nước là 14,9%, 21,19% và 14,98%. Số liệu trên cộng với “hiện tượng” cây xăng của Nhật Bản hơn một năm nay là những minh chứng rõ rệt cho thấy có lẽ cần phải nghiên cứu và giải quyết thấu đáo hơn vấn đề cạnh tranh trên thị trường xăng dầu để thỏa mãn phần nào về chất lượng phục vụ và giá cả bán lẻ xăng dầu ở thị trường nội địa.

Câu chuyện thứ ba có liên quan đến giá cả và chi phí của DN bán lẻ, đặc biệt là các siêu thị và trung tâm thương mại. Mới đây, Bộ Công Thương công bố dự thảo về "quản lý ngành phân phối" và nhận về “bão dư luận” với khá nhiều ý kiến không đồng tình. Đại diện của một Hiệp hội có ví dụ cụ thể: Dự thảo quy định các siêu thị phải bán hàng quanh năm (365 ngày), kể cả mùng 1 Tết. Điều này thật vô lý vì ngày đó sẽ chẳng có ai mua hàng. Vị này cũng cho rằng: Việc đề ra các điều kiện kinh doanh vô lý thực chất đã làm tăng chi phí DN, từ đó tăng giá cả và gián tiếp làm tăng CPI bán lẻ trên thị trường nội địa.

Ba câu chuyện về CPI, giá cả hàng hóa thiết yếu quan trọng đối với đời sống của người tiêu dùng và của DN nêu trên là thực tế cần được các ngành, các cấp lưu tâm giải quyết triệt để nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông phát triển và tăng trưởng một cách nhanh, bền vững và có hiệu quả ở thị trường nội địa và xuất khẩu đi các nước. Từ đó tác động ngược lại một cách tích cực cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-so-cpi-va-suy-ngam-tu-3-cau-chuyen.aspx