Chỉ sau 3 tháng tìm hiểu, Quỹ đầu tư Hàn Quốc quyết định đầu tư vào Wee Digital

Wee Digital vừa công bố đạt thỏa thuận đầu tư từ InterVest (Hàn Quốc) và VinaCapital Ventures, với giá trị cụ thể không được tiết lộ, nhưng với khoảng 7 chữ số (USD).

Vòng gọi vốn này của Wee Digital được thực hiện rất nhanh, từ lần đầu tiếp xúc cho đến khi giải ngân đầu tư chỉ khoảng 3 tháng.

Đây là lần đầu tiên Công ty đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest đặt chân đến Việt Nam. Thành lập năm 1999, đóng trụ sở tại Seoul, InterVest luôn nằm trong tốp 10 các công ty đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc trong các năm qua và đang quản lý danh mục đầu tư trị giá xấp xỉ 1 tỷ USD.

Ông Christian Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Wee Digital cho biết, cuộc gặp giữa hai bên bắt đầu từ tháng 04/2020 nhưng “nhờ có chung sự tin tưởng và tầm nhìn về tiềm năng thị trường to lớn cũng như nền tảng công nghệ của Wee nên hai bên đã có thể thực hiện khoản đầu tư rất nhanh chóng”.

VinaCapital Ventures công bố khoản đầu tư đầu tiên vào Wee từ tháng 03/2019 và thương vụ lần này được dẫn dắt qua sự hỗ trợ của VinaCapital, khi thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Chúng tôi rất vui khi InterVest chú ý đến Wee Digital, một trong những công ty khởi nghiệp tiềm năng nhất Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Công ty sở hữu những đặc điểm mà các nhà đầu tư thường tìm kiếm trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là một người sáng lập đầy tham vọng và giàu kinh nghiệm, năng lực thực thi mạnh mẽ, sản phẩm đột phá và một thị trường rộng lớn chưa được khai thác

- ông Don Lam, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành VinaCapital.

Đại diện Wee Digital cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc hợp tác với các khách hàng là ngân hàng trong việc áp dụng giải pháp sinh trắc học cho một loạt các dịch vụ ngân hàng và cung cấp cho người dùng trải nghiệm ngân hàng liền mạch và dễ dàng.

Sự phát triển các dịch vụ trực tuyến đang thay đổi cách tiêu dùng sản phẩm ngân hàng, mang cho người tiêu dùng sự thuận lợi khi truy vấn thông tin và thực hiện các tác vụ cơ bản như chuyển khoản, thanh toán qua điện thoại, máy tính.

Vai trò của các chi nhánh ngân hàng bị đặt ra những dấu hỏi nghi vấn. Nhiều dự báo cho rằng, các ngân hàng phải đóng cửa nhiều chi nhánh và tái cấu trúc hoạt động với các chi nhánh còn lại.

Tuy vậy, theo khảo sát thực hiện bởi công ty CARAVAN Omnibus Survey năm 2019, một xã hội phát triển như Mỹ, vẫn rất cần đến các chi nhánh ngân hàng khi 88% người Mỹ trưởng thành nói họ cần đến các chi nhánh khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng và 80% cho rằng điều này sẽ không thay đổi trong vài năm tới.

Ông Christian Nguyễn cho rằng, các chi nhánh ngân hàng không thể mất đi, nhưng tương lai, chúng không đều đều về quy mô, hình thức như ở thị trường ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Theo đó, sẽ có nhiều loại quy mô khác nhau như loại giống như cửa hàng hàng đầu (flagship store) đặt ở những nơi sang trọng để khuếch trương thương hiệu, loại vừa ở các trung tâm thương mại, hoặc cả loại nhỏ đặt chung trong cửa hàng tiện lợi.

“Nhưng các chi nhánh sẽ đều hướng đến việc giảm chi phí, nhân lực, đưa đến cho các khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng các dịch vụ tiền mặt và phi tiền mặt, chuyển đổi nhân viên vào những việc mang lại nhiều giá trị hơn như tư vấn, giới thiệu sản phẩm ngân hàng”, nhà sáng lập Wee Digital nói và cho biết, gần đây, họ hợp tác với ngân hàng Vietinbank triển khai hệ thống Smart Digital Branch (SDB) - Chi nhánh số hóa thông minh.

Đây là dự án ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam.

Thông tin khuôn mặt và vân tay sẽ tích hợp với các thông tin tài khoản của khách hàng giúp các chi nhánh ngân hàng dễ dàng nhận biết, phân luồng, xác thực khách hàng, đưa đến trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho từng khách hàng, rút bớt 60% thời gian giao dịch tại chi nhánh cho khách hàng so với trước.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chi-sau-3-thang-tim-hieu-quy-dau-tu-han-quoc-quyet-dinh-dau-tu-vao-wee-digital-d129292.html