Chỉ rõ nguyên nhân sạt lở bất thường ở miền Trung

Mưa lớn kết hợp với tác động nhân sinh như phá rừng, mở đường, xây nhà khiến tai biến địa chất xảy ra quy mô lớn, thiệt hại tăng.

Ngày 23/11/2020, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, đơn vị đang có nhiều đề xuất trong việc hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở đất bất thường tại khu vực miền Trung.

Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, thời gian qua có nhiều vụ sạt lở đất ở khu vực miền Trung trong thời gian ngắn gây ảnh hưởng cả về người và tài sản.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết bão lũ gây mưa lớn cùng với các tác động khác như phá rừng, làm đường, xây nhà khiến thúc đẩy tai biến địa chất quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng.

Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, Nam Trà My (Quảng Nam).

Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, Nam Trà My (Quảng Nam).

Ông Hòa cho rằng, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo sạt lở đất như lắp đặt mạng lưới quan trắc đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho cộng đồng dân cư. Với những con đường có nguy cơ trượt lở cao theo bản đồ điều tra hiện trạng cần lắp đặt hệ thống biển cảnh báo.

Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã thực hiện chương trình đánh giá và phân vùng trượt lở các vùng miền núi Việt Nam với kết quả xây dựng lên bản đồ sạt lở đất ở 25 tỉnh và cảnh báo nguy cơ lở đất ở 15 tỉnh vùng miền núi.

Ông Hòa cho biết, tấm bản đồ này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hạn chế, phòng chống ảnh hưởng của thiên tai. Chính vì thế, tấm bản đồ này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phục vụ tái định canh, định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng để tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên.

Trong đó, những khu vực có nguy cơ trượt lở cao, cần lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư, di dời nhà dân trong khu vực có nguy cơ cao đến vị trí an toàn.

Bên cạnh đó càng vùng có nguy cơ sạt lở cần có cán bộ chuyên trách theo dõi sạt lở thường xuyên để có cảnh báo kịp thời cho người dân.

Về lâu dài, ông Hòa đưa ra giải pháp quy hoạch sử dụng đất với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cũng như khoanh vùng canh tác hợp lý tại những vùng có nền địa chất ổn định. Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chi-ro-nguyen-nhan-sat-lo-bat-thuong-o-mien-trung-3423119/