Chỉ quan tâm tin giật gân, coi chừng không tìm được việc

Bộ trưởng Bộ Tài chính là ai? Vì sao bạn lại chọn nghề này? Trong lĩnh vực nghề nghiệp của bạn gần đây có sự kiện gì nổi bật?... là những câu hỏi nhà tuyển dụng muốn ứng viên trả lời khi phỏng vấn tuyển lao động.

Sinh viên tìm hiểu thông tin từ nhà tuyển dụng trong một ngày hội việc làm tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên kinh tế mà không biết bộ trưởng tài chính

Mới đây, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trưởng phòng Sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, có buổi dạy cho sinh viên (SV) năm cuối của trường về khởi nghiệp.

Tiến sĩ Tình kể lại: “Mình hỏi trong lớp có ai biết Vũ “nhôm” và Út “trọc” không? Cả lớp yên lặng. Mình hỏi tiếp em nào không biết Vũ “nhôm” và Út “trọc”, giơ tay? Kết quả thật bất ngờ, hơn 60% giơ tay. Mình hỏi tiếp: Em nào biết tên Bộ trưởng Bộ Tài chính giơ tay? Kết quả không ai giơ tay. Tên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN? Vẫn không có cánh tay nào. Tên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT? Có 3 cánh tay giơ lên. Tên Chủ tịch UBND TP.HCM? Không cánh tay nào. Mình bèn hỏi: Em nào biết “Tuyệt tình cốc”? Thật bất giờ, hơn 80% SV giơ tay. Mình hỏi tiếp ai biết vụ người mẫu bán dâm, có gần 90% SV giơ tay”.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng cho biết: “Quan sát SV trò chuyện, tôi nhận thấy chủ đề các bạn hay quan tâm nhiều nhất vẫn là quán trà sữa nào ngon, phim nào đang “hot”, hay “sao” nào có câu nói gì, scandal gì mới… Có lần giảng dạy môn “kỹ năng đàm phán”, tôi yêu cầu SV cho ví dụ minh họa. Đa số các bạn không có ý kiến. Tôi gợi mở đến những ví dụ mang tính vĩ mô như quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của VN diễn ra như thế nào, trong bao lâu, đạt được những kết quả gì, hay TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) là gì… thì không SV nào trả lời dù nội dung này đã được đề cập trong môn các bạn đã học từ trước và kiến thức cũng có thể tìm thấy từ rất nhiều nguồn khác nhau”.

Theo thạc sĩ Lã Hoài Tuấn, Chánh văn phòng Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM, đa số SV ngày nay bị cuốn vào những tin tức giật gân trên mạng xã hội, chỉ khoảng 10% SV có sự quan tâm sâu sắc tới thời cuộc, lĩnh vực nghề nghiệp mình đang học tập và theo đuổi.

Cần tỉnh táo trong việc tiếp xúc với các thông tin giật gân không liên quan đến việc mình làm, việc mình quan tâm vì ngày nay chúng ta rất dễ bị chúng “đánh cắp” thời gian

Lê Nguyễn Huy Tâm
Giám đốc Công ty Việt Thiên Nhiên

Ảnh hưởng tới quá trình ứng tuyển

Lý giải vấn đề này, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình nhận định: “Nhiều SV nghĩ các vấn đề chính trị, xã hội là của người lớn, không liên quan đến bản thân mình. Vì vậy, các bạn thường thích đọc các thông tin về giải trí, tin tức liên quan đến các vụ bê bối trong giới nghệ sĩ... Những thông tin này chỉ giúp các em vui vẻ nhất thời, trong khi lẽ ra các em cần dành nhiều thời gian để tìm tòi, mở mang những kiến thức bổ ích khác”.

Thạc sĩ Lã Hoài Tuấn cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do SV chưa thực sự yêu thích, đam mê ngành nghề mình đang học. “Điều đó khiến SV có những suy nghĩ hời hợt, nông cạn, dẫn đến thiếu hụt kiến thức về nghề nghiệp cũng như xã hội. Không chỉ là tên lãnh đạo liên quan đến nơi mình sinh sống, lĩnh vực nghề nghiệp của mình…, mà còn nhiều kiến thức sâu rộng khác cần phải quan tâm, tìm hiểu”, thạc sĩ Tuấn cho hay.

Theo thạc sĩ Châu Thế Hữu, khi internet chưa phát triển, thế hệ SV trước đây không bị phân tán vào những thông tin giật gân xuất hiện tràn lan như bây giờ, mà thường đọc tạp chí, sách chuyên khảo và liên tục cập nhật những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. “Những kiến thức đó đã cứu chúng tôi khỏi những câu hỏi thời sự bấy giờ của nhà tuyển dụng như: “VN vào WTO có lợi và hại gì?” hay “Mặt hàng dầu thô chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của VN?”… Câu trả lời có thể thu thập được dễ dàng nếu chúng ta chịu khó đọc báo và các kênh thông tin chính thống nhằm tích lũy thêm tri thức bên cạnh những gì được giảng dạy tại trường”, thạc sĩ Hữu nhìn nhận.

Cần tập trung sự quan tâm vào thông tin cần thiết

Ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Công ty phần mềm Dân Trí Soft, cho biết doanh nghiệp rất cần những ứng viên có thái độ nghiêm túc với công việc, có nhiều kiến thức sâu về nghề nghiệp, có trải nghiệm sống… mà nếu ngay từ khi đi học, SV không chịu tìm tòi học hỏi thì rất khó để đáp ứng.

“Vì thiếu sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn nên SV không biết tại sao mình lại học ngành nghề này, cần học thật tốt những kiến thức gì, cập nhật thêm những thông tin gì và học tập như thế nào để sau này ra trường sẽ có tương lai nghề nghiệp tốt đẹp. Vì không có định hướng nghề nghiệp đúng đắn nên mới có hiện tượng phổ biến là đi học mà chỉ quan tâm những sự kiện, thông tin giật gân trong khi kiến thức thiết thực cho nghề nghiệp sau này thì không để ý”, ông Hiếu nhận định.

Với ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty Việt Thiên Nhiên (TP.HCM), ngoài kiến thức chuyên môn đã học, nhà tuyển dụng còn mong muốn nhân viên tương lai của mình có nền tảng kiến thức xã hội và kỹ năng mềm thật tốt. Ông Tâm lưu ý: “Các bạn trẻ tập trung mạnh mẽ sự quan tâm của bản thân vào ngành mình đang học, việc đang làm, hiểu nó, tin nó và đặc biệt là yêu nó. Cần tỉnh táo trong việc tiếp xúc với các thông tin giật gân không liên quan đến việc mình làm, việc mình quan tâm vì ngày nay chúng ta rất dễ bị chúng “đánh cắp” thời gian”.

Còn PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình khuyên SV nên tạo thói quen chọn lọc thông tin theo 3 nhóm khi đọc, gồm: thông tin giải trí, thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, thông tin thời sự chính trị, xã hội. SV cần biết cách cân đối thời gian trong việc tiếp cận 3 nhóm thông tin trên.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/chi-quan-tam-tin-giat-gan-coi-chung-khong-tim-duoc-viec-1019566.html