Chi phí tuân thủ pháp luật làm gia tăng áp lực lên doanh nghiệp

Tồn tại quá nhiều quy định làm cho chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng cao một cách bất hợp lý...

 5 loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật, đó là gồm chi phí thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.

5 loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật, đó là gồm chi phí thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.

Trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 3/2019 có tới 58% trong số khoảng 10.000 doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận phải trả chi phí không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước và đây là những chi phí chỉ để tuân thủ pháp luật.

Những doanh nghiệp này cho biết sẵn sàng chấp nhận những vi phạm để hoạt động vì nếu tuân thủ phải tốn chi phí đầu tư, nhân lực, thời gian và cả chi phí cơ hội. Khi đặt ra bài toán hiệu quả trong kinh doanh thì việc vi phạm pháp luật rồi chịu nộp phạt nhiều khi lại có lợi hơn. Đó là hệ quả của việc còn tồn tại quá nhiều quy định làm cho chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng cao một cách bất hợp lý...

Quá nhiều quy định bất hợp lý

(Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

"Khi các cán bộ được giao soạn thảo văn bản pháp luật thì đã bao giờ các anh, chị đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp làm gì cũng phải nghĩ đến việc kẹp phong bì không? Đã bao giờ các anh, chị nghĩ đến chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tuân thủ một từ, một câu trong quy định mà chúng ta viết ra không? Đây không phải lần đầu các vấn đề này được đặt ra.

Ngay trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 3/2019, 66% trong số khoảng 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng phải có quan hệ để tiếp cận thông tin. Chi phí không chính thức dù giảm so với trước, nhưng vẫn còn tới 58% doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí này...

Tôi chỉ dẫn chứng trường hợp, một lần nữa, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được dùng để lý giải cho dư địa phát sinh các chi phí không cần thiết. Theo dự thảo mới nhất, taxi sẽ phải có phù hiệu "xe taxi" và dán cố định phía bên phải mặt kính trước xe, niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định, có hộp đèn chữ "taxi" gắn cố định trên nóc xe...

Trường hợp ôtô sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn điện tử tối thiểu 12x30cm. Chỉ vài ba dòng như vậy, nhưng doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí xin cấp phù hiệu, chi phí đợi để được cấp phù hiệu, chi phí đưa ô tô đi dán phù hiệu, chi phí làm bảng điện tử... Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, có thể thấy các yêu cầu trên đều có giá. Vậy sao ban soạn thảo không đặt ra câu hỏi có cách nào rẻ hơn không, thực hiện nhanh và ít tốn kém hơn không?

Điều đáng nói là, những tồn tại trên không chỉ có trong nhiều văn bản dự thảo. Một số văn bản mới được ban hành cũng có nhiều quy định gây chi phí thực thi rất lớn và không đáng có cho doanh nghiệp. Như Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn yêu cầu doanh nghiệp có văn phòng ổn định trong 2 năm, đảm bảo diện tích làm việc 8 m2/người...

Nếu doanh nghiệp cần tuyển người để phục vụ kế hoạch kinh doanh, họ phải đối mặt với hai trường hợp: hoặc là chấp nhận vi phạm, hoặc là phải tìm văn phòng mới, trong khi đây là quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi viện dẫn ra đây 2 ví dụ để thấy có nhiều quy định, nhiều chi phí tuân thủ pháp luật đang tồn tại một cách bất hợp lý, thậm chí cả những văn bản đang được xây dựng chứ không chỉ riêng ở những văn bản tồn tại từ trước.

Tôi có thể nêu ra 5 loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật, đó là gồm chi phí thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức. Chỉ khi nhìn rộng ra 5 loại chi phí này chúng ta mới bao quát và cắt giảm được đầy đủ nhất cho doanh nghiệp.

Do đó, khi soạn thảo quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước cần luôn tư duy rằng luật pháp rất đắt đỏ, một chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Vì vậy, để cắt giảm thì có hai câu hỏi cần trả lời là liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không? và liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không?

Tôi đã làm phép tính, một doanh nghiệp gia nhập thị trường mất đến 20 ngày làm 9 thủ tục để bắt đầu kinh doanh. Trong đó có nhiều loại thủ tục có thể nghiên cứu cắt bỏ hoặc kết hợp trong quá trình làm thủ tục khác, ví dụ như thủ tục: Thông báo mẫu dấu, mua hoặc tự in hóa đơn VAT, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động lần đầu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... Do đó, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật khi soạn thảo".

Chú ý rà soát các chi phí tiềm ẩn trong các dự thảo

(Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư Quang và Cộng sự)

"Từ kinh kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế thế giới trong việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, tôi khuyến nghị một số vấn đề cần chú trọng. Như việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để loại bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng các báo cáo đánh giá tác động đối với các chính sách đề xuất ban hành quy phạm pháp luật.

Để làm được điều đó, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần quyết liệt hơn nữa yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải có những đánh giá tác động thực chất, có chất lượng để giúp cho công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo quy định pháp luật. Ngoài ra, các báo cáo rà soát, thẩm định, thẩm tra dự thảo cần phải chú ý tới các chi phí tuân thủ pháp luật tiềm ẩn trong các dự thảo như các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thuế và các khoản có tính chất thuế, chi phí thời gian, chi phí cơ hội.

Ví dụ, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), quốc gia Tajikistan có mức độ cải cách chi phí tuân thủ pháp luật tốt nhất trên thế giới. Tajikistan áp dụng cơ chế dự báo các chi phí kinh tế trong các dự thảo quy phạm pháp luật, công khai dự thảo trực tuyến và thực hiện cơ chế tham vấn doanh nghiệp đối với các dự thảo quy phạm pháp luật để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Tajikistan cũng thiết lập cơ quan giám sát đánh giá các tác động pháp luật để đánh giá các báo cáo tác động từ các dự thảo...

Nếu xét từ năm 2007, Tajikistan có xuất phát điểm về chi phí tuân thủ kém hơn Việt Nam, thì năm 2017 đã vượt qua Việt Nam và vượt cả mức trung bình chung của thế giới. Trong thời gian này, Tajikistan liên tục cải thiện chi phí hành chính, điều kiện gia nhập thị trường qua việc cải thiện các chỉ số thành phần, từ cấp phép xây dựng, giảm thuế, tiếp cận nguồn tài chính, cải cách thủ tục hải quan, phá sản doanh nghiệp...".

Chi phí phát sinh ở mọi lĩnh vực

(Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economia Việt Nam)

"Ngay khi Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được ban hành vào đầu năm 2019, Bộ Tư pháp được coi là một trong những tâm điểm nắm giữ chìa khóa tạo nên sự đột phá của môi trường kinh doanh năm nay. Bởi vì, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về chỉ số có thể nói là được giới kinh doanh chờ đợi nhất, đó là nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đây là một trong những thứ hạng khó cải thiện nhất. Ngay cả khi Bộ Tư pháp đã xây dựng tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, ngành, địa phương về nâng hạng chỉ số này, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, thì việc đảm bảo tuân thủ là công việc không dễ dàng.

Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam được chấm 3,1 điểm trên thang điểm 7, xếp thứ 96/140 nền kinh tế về chỉ số gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật. Đây là điểm số và thứ hạng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Để xếp hạng chỉ số này, WEF đã yêu cầu doanh nghiệp đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ, chính quyền địa phương trong thực hiện các quy định của pháp luật, từ xin phép, nộp báo cáo...

Từ đó có thể thấy, chi phí này phát sinh ở nhiều lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, trong suốt vòng đời hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào, trong bất kỳ mối quan hệ, tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan chính quyền. Do vậy nỗ lực của một hay một số bộ, ngành không thể làm giảm bớt được chi phí tuân thủ. Ở đây, Bộ Tư pháp sẽ không chỉ là đơn vị tổng hợp, báo cáo tình hình.

Trong vai là người thẩm định các văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp phải "canh cổng", hướng dẫn chi phí tuân thủ, phương thức cắt giảm..., không để các thủ tục hành chính phiền nhiễu, gây chi phí lớn cho doanh nghiệp xuất hiện trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ".

Ngăn chặn hành vi làm phát sinh chi phí

(Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp)

"Không phải đến Bộ Tư pháp mới thực hiện mà ngay tại chính các bộ, ngành soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện việc cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; thông qua cải thiện Chỉ số B1, các bộ, ngành, địa phương sẽ có điều kiện xem xét, đánh giá đúng thực trạng về các chi phí tuân thủ pháp luật hiện nay...

Bộ Tư pháp đã đưa ra một số định hướng giải pháp cần thực hiện để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Các giải pháp đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.

Còn tại các cơ quan, địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương mình nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần nâng xếp hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật. Nếu chúng ta hướng đến mục tiêu là từ năm 2019 – 2021, Việt Nam đạt kết quả nâng xếp hạng Chỉ số B1 từ 5 lên 10 bậc, cụ thể là tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2019, tăng từ 3 lên 5 bậc trong năm 2020 và tăng từ 5 lên 10 bậc vào năm 2021 thì phải bắt tay vào hành động ngay từ hôm nay, ngay chính lĩnh vực quản lý của mình.

Bộ Tư pháp đã đề ra định hướng cụ thể là phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Các quy định pháp luật phải được cập nhật, tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế là nhiều quy định pháp luật mới ban hành đã có hiệu lực nhưng cán bộ thực thi tại các địa phương không cập nhật kịp thời hoặc áp dụng không đúng gây nên khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, phải thường xuyên công khai kịp thời để doanh nghiệp biết, tạo cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu về các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, giải thích các điểm chưa rõ ràng, chưa cụ thể trong các quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật được đầy đủ, thuận lợi, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cần tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp cũng như kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật".

Linh Đan

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chi-phi-tuan-thu-phap-luat-lam-gia-tang-ap-luc-len-doanh-nghiep-20190426101039456.htm