Chi phí truy xuất nguồn gốc rẻ bất ngờ

Việc truy xuất nguồn gốc một con heo từ trang trại tới bàn ăn chỉ tốn chi phí khoảng 0,5 USD, tương đương 11.500 đồng.

Nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam hấp dẫn khách tham quan tại triển lãm. Ảnh: N.Hiền

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam được tổ chức tại TPHCM ngày 14/11. Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2018 (Vietnam Foodexpo 2018) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17/11 tại TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ đối với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ còn đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và giúp doanh nghiệp tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngay sau Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ là chương trình Giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các tập đoàn thu mua, đại siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước như: Walmart, CJ, LOTTE, AEON, Central Group, MM Mega Market, Vinmart, Saigon Co.op, HAPRO, SATRA... Dự kiến, có khoảng 800 lượt doanh nghiệp trong nước sẽ được kết nối giao thương tại chỗ, mở ra các cơ hội cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối thực phẩm lớn trong và ngoài nước, mở rộng các chuỗi cung ứng về lương thực, thực phẩm.

Ông Andrew Wilson, Quản lý cấp vùng Dự án thương mại sinh học BioTrade cũng cho hay, người tiêu dùng ngày nay có rất nhiều mong muốn, từ sản phẩm thân thiện với môi trường, bền vững, nhưng giá cả lại phải rẻ… Điều này đặt ra những áp lực rất lớn cho nhà sản xuất và công nghệ chính là chìa khóa để giảm bớt những gánh nặng đó, bao gồm từ công nghệ sinh học, phần mềm quản lý…

TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Mineva cũng giới thiệu tại hội nghị nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Theo đó, các công ty lớn như GE, Siemens, Intel, Funac, Kuka, Bosch, NVIDA và Microsoft đều đang đầu tư đáng kể vào các phương pháp tiếp cận học máy để cải thiện tất cả các khía cạnh của sản xuất. Công nghệ này đang được sử dụng để giảm chi phí lao động, giảm khiếm khuyết của sản phẩm, rút ngắn thời gian ngừng hoạt động không mong muốn, cải thiện thời gian chuyển tiếp và tăng tốc độ sản xuất.

Theo ông Nam, tìm ra chính xác những gì khách hàng muôn là một thách thức to lớn và các công ty đang áp dụng công nghệ AI để giúp đỡ cho quá trình đó. Điển hình như tại nhiều nhà hàng, Coca-Cola đã lắp đặt các máy giải khát tự phục vụ cho phép cá nhân tùy chỉnh đồ uống của mình. Khách hàng có thể sử dụng những máy tự phục vụ này để tạo ra hàng trăm loại thức uống khác nhau bằng cách thêm hương vị khác nhau vào thức uống cơ sở của họ.

Nhưng đó là câu chuyện của các tập đoàn hàng đầu thế giới, còn tại Việt Nam, yêu cầu của thị trường cũng đang tạo ra những áp lực buộc ngành thực phẩm trong nước phải bắt tay đầu tư vào công nghệ. Một trong số đó là công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TPHCM, cho biết, từ ngày 18/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc. Các siêu thị ở TP.HCM cũng có nhu cầu đối với hàng hóa có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Walmart, Carrefour… cũng đưa ra yêu cầu về việc từ năm 2019, hàng hóa phải được truy xuất nguồn gốc.

Từ thực tế như trên, TPHCM đã đưa vào áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain TE-FOOD đối với các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, trứng, rau quả, tôm cá... Việc truy xuất nguồn gốc giúp hỗ trợ quản lý sản xuất cho nhà nông, từ đó tăng giá trị thương hiệu, giúp hàng hóa dễ dàng thâm nhập các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng và xuất khẩu đi các nước. Truy xuất nguồn gốc cũng giúp Nhà nước quản lý điều hành cung cầu, ngăn chặn hàng giả, thiếu chất lượng; giúp cho việc thu hồi các sản phẩm có vấn đề về chất lượng được hiệu quả hơn…

Đặc biệt, ông Trung cho biết, chi phí cho việc truy xuất nguồn gốc hiện “rẻ bất ngờ”. Cụ thể, truy xuất nguồn gốc đầy đủ một con heo từ trang trại tới bàn ăn chỉ tốn khoảng 0,5 USD, tương đương 11.500 đồng.

Hiện công nghệ truy xuất nguồn gốc theo TE-FOOD đã được áp dụng tại TPHCM với sự tham gia của toàn bộ hệ thống siêu thị trên địa bàn và hơn 7.100 trang trạng, 600 thương lái, 44 cơ sở giết mổ, 35 cơ sở chế biến…

Sáng 14/11, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2018 (Vietnam Foodexpo 2018) đã được khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) với quy mô 600 gian hàng của 450 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia và nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong ngành như Đường Quảng Ngãi, SATRA, TH, Lương thực Tiền Giang (Tigifood), Lương thực Đồng Tháp, Cà phê Phúc Sinh, Vissan, Thủy sản Quảng Ninh, PAN Group, Dừa Lương Quới, Yến sào Nha Trang, Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Thực phẩm Phú Thịnh, XNK Sa Giang, Dừa Bến Tre, Thực phẩm Đức Việt, Thực phẩm Thiên Hương…

Tham dự triển lãm, các Cơ quan Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại danh tiếng trên thế giới như CBI, ITA, KOTRA, JETRO, AKC, ATPF, TAITRA, ITC..., các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương... đã đưa nhiều đoàn doanh nghiệp, các đối tác kinh doanh, đầu tư và các đoàn khách mua hàng đến tìm kiếm nhà cung cấp.

Dự kiến 4 ngày diễn ra sự kiện, triển lãm sẽ thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan. Trước đó, trong năm 2017, triển lãm đã thu hút 15.000 lượt khách tham quan, trong đó có gần 2.900 khách khách quốc tế đến từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-phi-truy-xuat-nguon-goc-re-bat-ngo.aspx