Chi phí thủ tục hành chính: Nhóm xây dựng đắt đỏ nhất

Nhóm thủ tục xây dựng có chi phí trung bình hơn 64 triệu đồng, thậm chí nhiều trường hợp lên đến hàng tỷ đồng. Chi phí đắt đỏ thứ hai thuộc nhóm môi trường, thứ ba là nhóm đầu tư, tiếp theo là nhóm xin giấy phép chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh…

 Doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm các quy định, thành phần hồ sơ không cần thiết để giảm các thủ tục hành chính

Doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm các quy định, thành phần hồ sơ không cần thiết để giảm các thủ tục hành chính

Ngày 28/5, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (chỉ số APCI) 2019, và mục tiêu thúc đẩy cải cách thông qua APCI.

Tại buổi Hội thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban 4, Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho biết, việc khảo sát đánh giá chi phí APCI được Đoàn nghiên cứu làm việc tại 6 tỉnh: Đà Nẵng, Bình Dương, Sài Gòn, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trong năm 2018, qua khảo sát hơn 300 doanh nghiệp tại 6 tỉnh này, trong số 8 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) được xếp hạng, đứng đầu là nhóm TTHC thuế với chi phí tuân thủ hơn 73.000 đồng; thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ làm việc.

Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ hơn 64 triệu đồng (gấp 869 lần ngành thuế, hơn 5 lần trung bình các nhóm khác); thời gian thực hiện trên 108 giờ.

Theo bà Thủy, nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng bảng xếp hạng, chủ yếu là chi phí trực tiếp cao vượt trội, chiếm 93% và trở thành yếu tố quyết định tới mức thủ tục nhóm này trở nên đắt đỏ bậc nhất.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các TTHC đã khiến doanh nghiệp bỏ rất nhiều thời gian công sức và kinh phí để hoàn thiện. Trong đó, khó khăn nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết họ rất lúng túng ở khâu này, có doanh nghiệp phải mất 1 tháng để chuẩn bị hồ sơ, và họ rất mơ hồ để chuẩn bị hồ sơ thực hiện các TTHC, đặc biệt là những doanh nghiệp liên quan đến việc đăng ký thuốc.

Về câu chuyện nộp hồ sơ cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện vẫn còn lẫn lộn giữa nộp hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy, khiến doanh nghiệp phải đi lại rất nhiều để bổ sung hồ sơ do cơ quan quản lý chỉ hướng dẫn bằng miệng, doanh nghiệp phải ghi chép lại và thực hiện theo. Vì vậy, chi phí đi lại, bổ sung hồ sơ quá nhiều đã gây mệt mỏi, tốn kém cho doanh nghiệp.

“Cùng là một quy định nhưng mỗi tỉnh lại vận dụng khác nhau, điều này cũng khiến các doanh nghiệp quay như chong chóng. Các cán bộ công chức cũng thừa nhận còn tình trạng tùy nghi trong áp dụng”, bà Thủy cho biết.

Qua khảo sát nhóm TTHC liên quan tới cơ sở bán lẻ thuốc cho thấy, có rất nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Chủ yếu là không có quy chuẩn, thiếu cơ sở dữ liệu thông tin của ngành trong việc cấp GPP…, dẫn tới việc mỗi tỉnh vận dụng một kiểu.

Về vướng mắc trong thủ tục hải quan xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp phàn nàn: hoạt động tính thuế và xuất nhập khẩu được áp dụng không thống nhất với nhiều tình huống khác nhau, khiến nhiều doanh nghiệp bị bác hồ sơ khi tiến hành các TTHC…

Để cải cách các TTHC, các doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm các quy định, thành phần hồ sơ không cần thiết, không có giá trị thực tiễn gắn với mục tiêu quản lý nhà nước.

Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị cần giảm đầu mối kiểm tra chuyên ngành, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa/tư nhân hóa hoạt động kiểm tra, kiểm định với các mặt hàng đang phải thực hiện quy định về kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, phải cân nhắc xu hướng quản lý dịch vụ công theo cơ chế phục vụ dịch vụ với các mức giá dịch vụ khác nhau, thay vì ấn định một mức phí như hiện tại để tạo động lực cho các bên liên quan và minh bạch hóa các chi phí cần thiết…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chi-phi-thu-tuc-hanh-chinh-nhom-xay-dung-dat-do-nhat-163933.html