Chi phí tăng cao, nhiều DN giảm lãi sâu

Biến động giá nhiên liệu cùng với sức ép cạnh tranh khiến nhiều chi phí của DN tăng vọt với tốc độ tăng cao hơn so với tăng trưởng doanh thu, dẫn đến lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ năm trước.

Giá nguyên vật liệu tăng cao đã kéo giảm lợi nhuận của Hòa Phát. Ảnh: Phan Thu.

Chi phí đè lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý II/2017 của Công ty CP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco), doanh thu thuần trong kỳ tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1.034 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp chỉ tăng trưởng 13%, đạt gần 26 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh 275%, lên 9 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng 67%, lên mức 20 tỷ đồng; chí phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi, lên gần 11 tỷ đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Haxaco âm trên 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 11 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Haxaco lãi trước thuế 19 tỷ đồng, giảm 42% so với nửa đầu năm 2016.

Theo giải trình của ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Haxaco, tình hình kinh doanh trên thị trường ô tô trong quý II/2017 giảm mạnh. Các hãng xe có mặt trên thị trường Việt Nam đều có chính sách giảm giá mạnh cho hầu hết các sản phẩm. Các đại lý phân phối xe Mercedes-Benz, trong đó có Haxaco phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm thu hút khách hàng như giảm giá, áp dụng các chương trình khuyến mãi, hậu mãi… Bên cạnh đó, áp lực tiêu thụ xe lớn và sự cạnh tranh về giá bán giữa các đại lý khiến cho công ty phải giảm giá đối với hầu hết các dòng xe dẫn đến lợi nhuận âm, không đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, theo ông Dũng, lượng xe nhập và tồn kho từ đầu năm 2017 đến nay lớn dẫn đến các chi phí quản lý tăng, trong đó phần lớn là chi phí lãi vay. Thêm vào đó, do phải giải phóng số lượng lớn hàng tồn theo model cũ (cụ thể dòng xe C-class) để tiếp nhận các dòng xe có model mới nên công ty buộc phải giảm giá bán lỗ đối với lô xe theo model cũ này.

Tương tự Haxaco, lãi ròng quý II/2017 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng giảm 24% dù lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh tới 32%. Theo báo cáo tài chính quý II/2017 của Hòa Phát, giá vốn trong kỳ của công ty tăng mạnh tới 54% đã khiến lợi nhuận gộp giảm 15% so với quý II năm trước. Thêm vào đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 42%, trong khi chi phí tài chính lại tăng 55%; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 109% và 9% đã kéo lùi lợi nhuận trong kỳ của Hòa Phát.

Cánh chim đầu đàn của hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng cùng chung cảnh ngộ kể trên khi doanh thu thuần quý II/2017 tăng tới 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19.308 tỷ đồng, nhưng lãi ròng lại giảm tới 84%, chỉ đạt 77 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng lãi ròng của Vietnam Airlines giảm 54%, chỉ đạt 823 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá nhiên liệu bình quân tăng khoảng 17 USD/thùng (tương đương tăng 37%) so với cùng kỳ năm 2016, làm cho chi phí nhiên liệu tăng khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu bình quân hành khách toàn hãng tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ (khoảng 766 tỷ đồng) và doanh thu hàng hóa tăng xấp xỉ 610 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức gia tăng này chưa đủ bù đắp cho phần chi phí nhiên liệu tăng thêm so với cùng kỳ. Thêm vào đó, thu nhập khác cũng giảm mạnh do trong nửa đầu năm 2016 công ty có ghi nhận doanh thu thanh lý máy bay (khoảng 141 tỷ đồng) và khoản hỗ trợ tín dụng từ hợp đồng mua động cơ (khoảng 106 tỷ đồng), trong khi 6 tháng đầu năm nay không phát sinh các khoản thu nhập này.

Gánh nặng chi phí đè nặng khiến lợi nhuận sụt giảm cũng là câu chuyện buồn của nhiều DN khác như Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), Casumina, Thủy sản Vĩnh Hoàn, Bột giặt Net…

Phú quý giật lùi

Trước đó, hồi đầu năm nay, tại đại hội đồng cổ đông thường niên, kịch bản kinh doanh khó khăn do các chi phí tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận đã được nhiều DN dự báo trước. Nhiều DN đã thông qua các kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận thụt lùi, dù doanh thu dự kiến vẫn tăng trưởng cao. Cụ thể, trước những rủi ro về biến động giá nhiên liệu, tỷ giá các đồng ngoại tệ cùng với sức ép cạnh tranh khốc liệt, Vietnam Airlines đã đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 tăng trưởng 23%, đạt 87.900 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm 36% với 1.338 tỷ đồng. Kế hoạch của Công ty CP Phân phối khí thấp áp dầu khí (PGD) cũng đề ra doanh thu tăng gần 41%, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 15%. Công ty CP Ô tô Trường Hải cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 31%, Điện Quang giảm 41%, Vinasun giảm 53%...

Thống kê mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng cho thấy, trong khi các ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt; dịch vụ tài chính; bất động sản và ngân hàng có mức tăng trưởng tốt trong quý II/2017, nhiều ngành khác lại có sự sụt giảm. Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là các ngành dầu khí, ô tô và phụ tùng, bán lẻ, tài nguyên cơ bản, thực phẩm và đồ uống… Theo các chuyên gia của Rồng Việt, nguyên nhân kết quả kinh doanh của các công ty thuộc nhóm ngành ô tô kém đi là do nhu cầu giảm xuống dưới tác động của thông tin thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% vào đầu năm 2018, cũng như phản ứng ngược của người tiêu dùng trước cuộc đua giảm giá của các hãng xe. Trong khi đó, dù doanh thu vẫn tăng trưởng, giá nguyên liệu tăng cao đã tác động đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép và làm lợi nhuận của các công ty này giảm sút so với quý cùng kỳ.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-phi-tang-cao-nhieu-dn-giam-lai-sau.aspx