Chi phí-rào cản sự cạnh tranh của hàng Việt

Việc nước ta gia nhập các Hiệp định thương mại tự do FTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) trong nước xâm nhập thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế do phải gánh chịu nhiều chi phí, cùng với mẫu mã chưa bắt mắt người tiêu dùng khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới sụt giảm, thậm chí thua ngay trên thị trường trong nước.

Trong công bố báo cáo khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới hồi năm 2017 về chi phí kinh doanh ở Việt Nam cho thấy, chi phí tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số quốc gia cùng khu vực, như: Malaysia, Singapore... Đã thế các DN Việt Nam luôn phải nộp nhiều loại thuế và hàng loạt các chi phí, như: Thủ tục xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cao hơn nhiều lần so với các nước trên thế giới ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Hàng Việt Nam muốn đứng vững trên thị trường bán lẻ phải xâm nhập vào các chuỗi siêu thị có tên tuổi, nhưng lại đối mặt với nhiều khoản chi phí đi kèm.

Một mặt hàng nhập khẩu chịu rất nhiều chi phí từ bến kho lưu trú hải quan, rồi đến các thủ tục giấy tờ cũng như việc phải đi lại nhiều ngày, khiến chi phí và giá thành cũng tăng theo. Trong khi đó, hàng hóa thành phẩm của nước ngoài lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, nên hàng của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được. Ngoài ra, hàng Việt Nam phải cộng thêm các khoản chi phí khác, như: Vay lãi ngân hàng, tiền vận chuyển, thuê mặt bằng kinh doanh cao... Vài năm trở lại đây, khi các tập đoàn lớn, như: Metro, Lotte... dần chuyển nhượng lại cho các DN nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến thị trường hàng hóa Việt Nam nếu muốn cạnh tranh cũng gặp muôn vàn khó khăn ngay cả thị trường trong nước.

Theo ông Trần Đình Dũng, Phó chánh Văn phòng Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội: Nếu muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì nhất thiết hàng Việt Nam phải xâm nhập vào chuỗi hệ thống siêu thị có tên tuổi. Thế nhưng để làm được điều này hàng Việt phải chi rất nhiều khoản và phải chấp nhận mức chiết khẩu lên tới 15% từ các hệ thống bán lẻ. Đó là chưa kể các khoản phí phụ trợ, như: Quảng cáo, thuê người đứng quầy.... Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm hàng hóa Việt Nam lại chưa thực sự bắt mắt, mà còn quá đơn giản, mầu mè nhiều nhưng lại không hiệu quả.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong nước. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 do VCCI tiến hành và công bố hồi đầu năm 2017 cho thấy có 35% DN phải dành tới hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính; cứ 4 DN thì có 1 DN cho biết khó khăn lớn nhất của họ là sự phiền hà từ các thủ tục hành chính mang lại… Kết quả điều tra cũng cho thấy, có tới hơn 66% số DN được khảo sát đều phải trả nhiều loại phí mà không có trong quy định của Nhà nước.

Còn theo ông Sagara Hirohide, Đồng chủ tịch, Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF): Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thì trong hoạt động kinh doanh vấn đề về sự minh bạch trong các thủ tục hành chính phải xem xét lại; môi trường kinh doanh, đầu tư và năng suất lao động còn hạn chế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Do đó, cần xây dựng các chiến lược hành động kinh doanh nhằm triển khai các giải pháp cải thiện năng suất lao động và cải thiện môi trường kinh doanh; tìm ra những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và động lực thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân để cải thiện tình hình tài chính.

Có thể thấy, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường hội nhập trước tiên các DN Việt Nam phải tự khẳng định mình từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tạo được nhu cầu cho người tiêu dùng. Còn về phía Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho DN… Có như vậy người Việt Nam mới tin dùng hàng Việt Nam và hàng Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Bài và ảnh: HỒNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chi-phi-rao-can-su-canh-tranh-cua-hang-viet-532949