Chi phí logistics Việt Nam quá cao: Lộ phí ngang tiền dầu

Theo Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, chi phí không chính thức chiếm khoảng 15-25% cước vận tải và phải tính vào tổng chi phí vận tải.

Tại một hội nghị liên quan đến logistics do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức mới đây, tình trạng phí vận chuyển nội địa quá cao đến vô lý một lần nữa lại được các đại biểu nhắc lại.

Các ví dụ được đại biểu đưa ra như: chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển một container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, cao gấp đôi vận chuyển ra nước ngoài.

Tương tự, một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.

Lý giải chi phí logistics ở Việt Nam bị đẩy lên quá cao, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho biết, hoạt động logistics ở Việt Nam quá phức tạp, nhiều chi phí, kể cả chi phí không chính thức nên đẩy chi phí logistics tăng cao.

Nguyên nhân thứ nhất được ông Liêm chỉ ra, đó là việc kết nối giữa các loại hình vận tải, đặc biệt là giữa đường thủy nội địa với đường bộ không đồng bộ. Về nguyên tắc, chi phí vận tải thủy nội địa rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nhưng sự kết nối giữa các công đoạn để làm thủ tục thiếu đồng bộ, chờ đợi bốc xếp ở hai đầu quá lâu, kéo dài thời gian dẫn đến "tắc" đủ thứ, đẩy giá thành lên cao.

Thứ hai, năng suất bốc xếp ở các đầu bến không đạt yêu cầu, vì chỉ có một số cảng bến xây sau này mới có hệ thống cơ giới bốc xếp hiện đại, còn lại hầu hết các cảng bến nhỏ, cơ giới bốc xếp thô sơ, lạc hậu.

Thứ ba, khoản phí chính thức là chi phí BOT rất cao.

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam

Thứ tư, một khoản chi phí khác cao không kém mà doanh nghiệp phải chịu là chi phí không chính thức. Riêng với vận tải đường thủy, chi phí không chính thức trên đường đi, mà người Việt vẫn quen gọi là "lộ phí", đã tương đương với tiền dầu. Trong đó, chi phí không chính thức ở các cảng bốc xếp đã chiếm khoảng 15-25% cước vận tải đường thủy.

"Một sà lan chở hàng từ ĐBSCL lên cảng ở TP.HCM, chi phí ở đầu bến dưới không dưới 3.000-5.000 đồng/tấn, trong khi lên đến TP.HCM đã lên tới 15.000-20.000 đồng/tấn.

Tôi đã nhiều lần phản ánh với cơ quan quản lý nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết được, đó là do hiện nay việc quản lý các cảng bốc xếp rất khó khăn, không rõ ràng, cảng tư nhân không ra cảng tư nhân, cảng nhà nước không ra cảng nhà nước.

Thường thì người có hàng sẽ ký hợp đồng với các cảng để bốc xếp, sau đó giao tiền cho ban quản lý cảng. Ban Quản lý nhận tiền nhưng thực ra chi cho đội ngũ công nhân. Đội ngũ này làm việc chính thức nhưng lại hưởng lương không chính thức.

Ví dụ, chi phí doanh nghiệp bỏ ra 20.000 đồng/tấn, nhưng họ chỉ ghi cho 5.000 đồng, công nhân được rất ít, còn lại là cảng giữ. Khi ấy công nhân bốc xếp lại tìm cách lấy của các tàu bè chở hàng lên. Các tàu muốn xong việc thì phải nộp thêm chi phí cho người bốc xếp, còn không chấp nhận thì nghỉ", ông Trần Đỗ Liêm chỉ rõ.

Một điểm khác được Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam chỉ ra, đó là cơ sở hạ tầng ở khâu đầu - nếu là xuất đi hoặc khâu cuối - nếu là nhập về, rất yếu kém, đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

Minh chứng cho điều này, ông Liêm dẫn ví dụ, chi phí để một nông dân chở lúa từ đồng ruộng ra được bến sông nước khoảng 5km đã bằng cước phí chở cả trăm cây số trên sông nước.

Hay chở một tấn gạo hay xi măng, thức ăn gia súc từ ĐBSCL lên TP.HCM hoặc từ Vũng Tàu-TP.HCM chỉ dưới 100.000 đồng/tấn, tương đương với chi phí thuê xe ba gác chở hàng mấy cây số đến điểm nhận cuối cùng.

"Rõ ràng, hệ thống phân phối hiện nay chưa đồng đều ở các khâu, đặc biệt là khâu logistics. Trong một chuỗi có nhiều công đoạn, từng công đoạn có công đoạn rất rẻ, có công đoạn lại rất đắt, như nói ở trên. Đáng tiếc là nhiều người quản lý hiện nay chưa nhìn ra điểm này, họ chỉ nhìn vào mấy bến cảng, mấy chiếc xe mà thôi. Nhưng đã là chi phí logistics thì phải cộng chi phí ở tất cả các khâu vào, dẫn đến chi phí logistics Việt Nam đắt hơn trung bình thế giới rất nhiều", ông Trần Đỗ Liêm nói.

Sau cùng, ông cho rằng, trong quản lý nhà nước hiện nay, việc tổ chức hệ thống logistics được giao cho Bộ Công thương là không hợp lý. Dù trong cả một chuỗi, có nhiều bộ, ngành liên quan đến nhau, nhưng cái chính phải là do Bộ GTVT cầm trịch.

"Giấy tờ thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành nhưng cái đó có thể giải quyết được, còn vận chuyển phải do Bộ GTVT nắm giữ. Nhà nước phải có sự giải quyết đồng bộ từ trên xuống dưới, muốn vậy phải có người nhạc trưởng đúng nghĩa. Nếu giao Bộ Công thương thì không thể làm được, bởi họ không có quyền ở các bến cảng, nói không ai nghe", ông Liêm đề xuất.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chi-phi-logistics-viet-nam-qua-cao-lo-phi-ngang-tien-dau-3412385/