Chi phí logistics Việt gấp đôi các nền kinh tế phát triển, làm sao giảm?

Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP, cao gần gấp đôi các nền kinh tế phát triển...

Hội thảo tác động của CPTPP

Hội thảo tác động của CPTPP

Ngày 25/11, trong khuôn khổ Hội nghị về Ngành Phân phối - Thương mại điện tử - Logistics Việt Nam trước Cơ hội và Thách thức từ hiệp định CPTPP. Trao đổi về những khó khăn của Logistics cho thấy những dấu hiệu đáng mừng từ thực trạng giá dịch vụ Logistics Việt Nam được đánh giá là Top đắt nhất thế giới...

Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics VN (VLA), dịch vụ logistics ở VN hiện có quy mô 20-22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Tỷ trọng này ở VN cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%). Nguyên nhân chính do chúng ta chưa kết nối được hệ thống vận tải đa phương thức, vận chuyển theo đường nào cũng gặp nhiều bất cập.

Vậy CPTPP có mang đến luồng gió mới cho logistics Việt Nam không? Và thách Việt Nam phải đối mặt là gì?

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết: Việt Nam bảo lưu các quyền đối với nhà đầu tư dịch vụ CPTPP khá chặt chẽ, không thay đổi nhiều. Cụ thể, là yêu cầu về thực hiện biện pháp phân biệt đối xử (giữa trong và ngoài nước, giữa nước ngoài với nhau); yêu cầu hiện diện tại địa phương; yêu cầu phải sử dụng người quản lý là người Việt Nam hoặc thường trú ở Việt Nam; yêu cầu phải thực hiện một số điều kiện để được ưu đãi hoặc được cấp phép.

“Về tiếp cận thị trường CPTPP không có nhiều thay đổi so với WTO, cho nên cạnh tranh không nhiều, do đó không ảnh hưởng đến các nhà logistics nội địa. Tuy nhiên, tác động khác của CPTPP làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu nên tăng nguồn khách hàng lớn cho nghành logistics. Cũng phải nói đến một phần rất quan trọng làm cho logistics ở Việt Nam bị đội lên đó là một phần chi phí phải xử lý những vấn đề liên quan đến việc luân chuyển hàng hóa, hải quan, vấn đề xuất nhập khẩu, điều kiện thủ tục thuế quan.

Điểm nổi bật trong CPTPP đó là những cam kết về hàng rào phi thuế quan phải giảm, và cam kết về tạo điều kiện thương mại, chính những điều kiện quan trọng đó góp phần làm giảm chi phí logistics và nhìn một góc xa hơn thì sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất có lợi cho doanh nghiệp”, bà Trang chia sẻ.

Cũng theo vị này, cần cho cái nhìn rộng hơn về các cam kết mở cửa để chúng ta có nhiều cái mới, có nhiều cơ hội cạnh tranh và học hỏi.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chi-phi-logistics-viet-gap-doi-cac-nen-kinh-te-phat-trien-lam-sao-giam-d443212.html