Chi phí logistics: Tính đúng, tính đủ thế nào?

Khi chưa có bộ chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics thống nhất thì không thể tính toán, đánh giá chính xác các chi phí này...

LTS: Chi phí logistics ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước và đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đất Việt trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia logistics - GS.TS Đặng Đình Đào và TS Đặng Thị Thúy Hồng về vấn đề này.

Chi phí logistics trong nền sản xuất xã hội là những khoản chi phí gắn liền với quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế quốc dân.

Đây là những chi phí của doanh nghiệp phải bỏ ra cho các hoạt động cung ứng trên thị trường nên nó có thể giúp đẩy nhanh hay kìm hãm tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu hàng hóa, đồng thời tác động đến khả năng cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp và cả nền kinh tế quốc dân.

Là vấn đề luôn được quan tâm, nghiên cứu, thảo luận tại nhiều diễn đàn, trong phạm vi bài này, chúng tôi xin trao đổi thêm về câu chuyên chi phí logistics này ở Việt Nam để từ đó chúng ta hy vọng có các chính sách và giải pháp phù hợp hơn.

1. Bàn thêm về vấn đề chi phí logistics

Quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa đã tồn tại từ thủa xa xưa của xã hội loài người cùng với sự ra đời và phát triển của nền sản xuất hàng hóa. Vì vậy, các chi phí liên quan đến các hoạt động trong suốt quá trình này thường là những chi phí cần thiết, tất yếu. Đó là những chi phí bằng tiền mà các tổ chức cung ứng hay doanh nghiệp logistics chi cho các hoạt động chuyển đưa, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng cuối cùng.

Trước đây, trong ngành kinh tế cung ứng, kinh doanh thương mại ở nước ta và các nước từng gọi là chi phí lưu thông - gắn liền với các khoản chi phí về vận tải, chi phí dịch vụ bảo quản, giao nhận, chi phí quản lý hành chính, chi phí hao hụt (hao hụt tự nhiên, hao hụt định mức, hao hụt trên định mức)… và nay gọi là chi phí logistics.

Chi phí logistics của doanh nghiệp LSP thực chất là hoa hồng (chiết khấu) mà doanh nghiệp này được hưởng từ cung ứng dịch vụ nhằm bù đắp các chi phí đã bỏ ra vừa phải đảm bảo một phần lợi nhuận cần thiết để tái mở rộng kinh doanh logistics. Chiết khấu này thường được tính bằng % hay số tiền nhất định được hưởng trên một khối lượng công việc dịch vụ cung ứng.

Cũng như các khái niệm logistics, hệ thống logistics, logistics doanh nghiệp…, chi phí logistics hiện nay đang có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu và ý kiến khác nhau, từ quan niệm, phân loại, cơ cấu và nội dung chi phí…, đặc biệt là phương pháp, cách tính chi phí logistics ở nước ta hiện nay từ doanh nghiệp đến nền kinh tế quốc dân.

Là chi phí thực phát sinh trong quá trình cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân, chi phí logistics cần phải được tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế quốc dân đã chi ra trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta không thể ước tính (chỉ ước tính khi chưa bước vào kỳ kế hoạch) hay chỉ dựa vào phương pháp tính toán mang tính điển hình từ một số chuỗi cung ứng trên hàng nghìn chuỗi rồi quy ra cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân như hiện nay. Chính sách và giải pháp dựa trên những căn cứ đó thì khó mà đi vào cuộc sống.

Như trên đã đề cập, chi phí logistics là chi phí thực của các doanh nghiệp trong quá trình cung ứng nên cần phải tính đúng và tính đủ và cần tính toán với cả chi phí logistics của doanh nghiệp logistics (LSP), chi phí logistics của doanh nghiệp sản xuất (liên quan đến logistics đầu vào và logistics đầu ra) và chi phí logistics của toàn nền kinh tế quốc dân (địa phương, thành phố…).

Chi phí logistics ở Việt Nam cao ngất ngưởng. Ảnh minh họa

Chi phí logistics ở Việt Nam cao ngất ngưởng. Ảnh minh họa

Đối với các doanh nghiệp LSP, tổng chi phí logistics trong kỳ được tính bằng cách tổng cộng các khoản chi phí về vận tải, chi phí dịch vụ bảo quản, giao nhận, chi phí quản lý hành chính, chi phí hao hụt (hao hụt tự nhiên, hao hụt định mức, hao hụt trên định mức…) và chi phí khác. Chi phí logistics ở cấp doanh nghiệp được quản lý theo 4 chỉ tiêu: Tổng chi phí logistics; Tỷ lệ phí logistics (cần tính đến loại hình dịch vụ logistics hỗ trợ trong kinh doanh hàng hóa bán buôn, bán lẻ và kinh doanh dịch vụ logistics); Mức giảm phí logistics và Nhịp độ giảm phí logistics.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, chi phí logistics được tính cho logistics đầu vào và đầu ra và luôn nằm trong cơ cấu giá bán sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, ở các nước, theo tính toán của các nhà kinh tế, thường chiếm 21%.

Đối với tổng chi phí logistics trong nền kinh tế quốc dân, thường được tính bằng cách tổng cộng chi phí logistics của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế (địa phương, thành phố, vùng…), từ đó so với GDP để biết tỷ lệ phí.

Đáng tiếc hiện nay, chúng ta chưa tính toán theo cách này, từng doanh nghiệp logistics hay doanh nghiệp sản xuất thì tự tính theo cách của mình, còn nền kinh tế quốc dân lại dựa vào nghiên cứu tư vấn điển hình theo 12 chuỗi! (Ví dụ, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam năm 2015: 10-12%; năm 2016: 21-25%; năm 2017: 18-20%; năm 2018: 20,9-25% và 2020 là 16,8%, còn bình quân thế giới: 10,7% - tổng hợp của tác giả ).

Rõ ràng là tính thuyết phục có vấn đề và khó phản ảnh đúng thực tế chi phí logistics Việt Nam và các khoản chi phí logistics của doanh nghiệp bỏ ra để từ đó có các chính sách và giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu là vì Chỉ thị số 21/CT/2018/TTg ngày 18/7/2018 về “đẩy mạnh triển khai các các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông”, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics”.

Và thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa thấy một hệ thống chỉ tiêu như vậy trong các doanh nghiệp để thu thâp, báo cáo thống kê logistics hàng năm! Vì thế, hy vọng lĩnh vực logistics Việt Nam sớm sẽ có một hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê logistics thống nhất để quản lý và đánh giá các hoạt động của mình, còn cơ quan quản lý từ doanh nghiệp, ngành đến nền kinh tế quốc dân có thể tổng hợp được các báo cáo thống kê logistics đầy đủ,chính xác hơn chi phí logistics ở Việt Nam

2. Cần những giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp

Đã có nhiều bài viết về chi phí logistics ở nước ta, nhất là khi mà tại nhiều hội thảo, diễn đàn về logistics, câu chuyện chi phí logistics luôn nóng lên từng ngày vì chi phí này đang cao hơn nhiều so với các nước và đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khi nói đến chi phí logistics và biện pháp giảm phí, thường chúng ta không tách bạch rõ ràng là chi phí logistics của doanh nghiệp LSP hay chi phí logistics của doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, hay là của toàn nền kinh tế quốc dân?

Khi mà Việt Nam vẫn chưa có một bộ chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics thống nhất thì chúng ta không thể tính toán và đánh giá chính xác được các khoản chi phí này từ doanh nghiệp để rồi tổng hợp cho ngành và nền kinh tế. Vì vậy, câu chuyện giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp LSP, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… kéo theo đó là giảm chi phí logistics cả nước luôn là vấn đề thời sự.

Đối với doanh nghiệp logistics: Đây là doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ logistics để hưởng thù lao (chiết khấu) và là nguồn thu nhập của chính các doanh nghiệp này. Nhưng để có thù lao hay nguồn thu từ hoạt động cung ứng, bản thân doanh nghiệp phải bỏ ra hay chi trả các khoản chi phí như đã nói ở trên và sau khi đã trừ các khoản chi phí,thuế… mới là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh logistics . Thù lao dịch vụ cung ứng hay chiết khấu chính là giá dịch vụ trong cung ứng và giá này cũng phải tuân theo quy luật của thị trường. Cho nên, chi phí logistics cao hay tự bản thân doanh nghiệp LSP đẩy chi phí logistics lên cao nhằm tăng thu nhập thì sẽ mất khách hàng, mất thị trường, cuối cùng là tự mình làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Ví dụ điển hình là giá dịch vụ vận tải hành khách đường sắt quá cao, trong khi dịch vụ đi kèm yếu kém, giá thậm chí có lúc còn cao hơn cả giá vé máy bay cùng chặng. Kết quả là hành khách quay lưng với đường sắt và chuyển qua đi bằng phương tiện ô tô hay máy bay như hiện nay!

Cho nên các doanh nghiệp logistics cũng vậy phải phấn đấu giảm các khoản chi phí logistics trong thành phần chiết khấu (thù lao) để giảm giá dịch vụ nhằm thu hút khách hàng và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Do đó, quan điểm cho rằng giảm chi phí logistics là giảm thu nhập của doanh nghiệp logistics, nguồn thu và đóng góp của ngành logistics là không chính xác. Giảm chi phí logistics trong kinh doanh dịch vụ logistics là để mở rộng thị trường logistics, thu hút khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả theo quy mô cho các doanh nghiệp logistics. Biện pháp để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp LSP là tập trung phấn đấu giảm từng khoản mục chi phí liên quan đến chi phí vận tải, chi phí dịch vụ bảo quản, giao nhận, chi phí quản lý hành chính, chi phí hao hụt (hao hụt tự nhiên, hao hụt định mức, hao hụt trên định mức…) và chi phí khác…

Đặc biệt, giảm chi phí logistics đối với loại hình doanh nghiệp này cần tập trung giảm chi phí vận tải bởi chi phí này chiếm tới 60%-70%, nhờ các giải pháp tối ưu hóa khâu vận chuyển bằng phương pháp ghép mối trong cung ứng giữa các điểm cung ứng hàng và các điểm nhận hàng, đảm bảo tổng quảng đường vận chuyển ngắn nhất (Smin) và quảng đường vận chuyển bình quân nhỏ nhất cho doanh nghiệp (Sbq-min).

Đối với chi phí logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (DNSX): Đây là chi phí bằng tiền phát sinh từ các hoạt động logistics của doanh nghiệp cho cung ứng đầu vào và đầu ra (tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng) là một bộ phận của giá bán sản phầm nên khi chi phí này càng cao càng làm cho doanh nghiệp bất lợi trên thị trường do đẩy giá bán sản phẩm, làm cho doanh nghiệp khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại,làm giảm sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

Ở các nước, thường ở mức 21% giá bán (trong khi phần lợi nhuận chỉ ở mức 4%)còn ở Việt Nam chưa thấy thống kê, nghiên cứu nào công bố là bao nhiêu. Rõ ràng tỷ lệ này cần được các doanh nghiệp Việt tính toán cụ thể, rõ ràng hơn để có các giải pháp phấn đấu giảm chi phí logistics đầu vào và đầu ra phù hợp cho doanh nghiệp cũng như có chính sách của nhà nước để cải thiện môi trường logistics tốt hơn.

Đối với chi phí logistics của doanh nghiệp sản xuất, việc phấn đấu giảm đồng thời cả chi phí logistics đầu vào và chi phí logistics đầu ra trên các thị trường. Ở đây, giải pháp quan trọng nhất để giảm các loại chi phí logistics cho doanh nghiệp là tối ưu hóa các khoản chi phí phát sinh liên quan đến cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, gồm các giải pháp tổ chức quản lý quá trình cung ứng các yếu tố đầu vào, giải pháp về kỹ thuật, công nghệ và giải pháp nhân sự logistics, đặc biệt là giải pháp đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ logistics được coi là một giải pháp rất quan trọng nhằm giảm sâu chi phí logistics.

Đối với tổng chi phí logistics cả nước và mức phí logistics trên GDP: Những chỉ tiêu này hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí logistics từ chính các doanh nghiệp LSP trong nền kinh tế. Chi phí logistics của các doanh nghiệp LSP trong nền kinh tế mà càng cao thì tổng chi phí logistics cả nước càng cao và sẽ làm cho mức phí logistics trên GDP cao. Nên câu chuyện giảm chi phí logistics của quốc gia, địa phương… phụ thuộc vào việc giảm chi phí logistics của chính các doanh nghiệp và cải thiện môi trường logistics hiện nay ở Việt Nam.

Ngành logistics là một ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp, liên ngành luôn gắn với một chuỗi các dịch vụ logistics xuyên suốt nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương… Vì vậy, phấn đấu giảm được chi phí logictics phải có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực và luôn đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, phù hợp cả trước mắt và căn cơ lâu dài trên cả 3 phương diện tổ chức quản lý, khoa học- công nghệ và nguồn nhân lực logistics.

GS.TS Đặng Đình Đào - TS Đặng Thị Thúy Hồng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/chi-phi-logistics-tinh-dung-tinh-du-the-nao-3432317/