'Chi phí hỏa táng chỉ vài triệu, rẻ hơn bốc mộ rất nhiều'

Từ năm 2010 đến năm 2018, tỷ lệ hỏa táng ở Hà Nội tăng từ 18.5% lên xấp xỉ 60%.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, số ca hỏa táng của người Hà Nội và các tỉnh lân cận ngày càng tăng, cho thấy một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người Việt châu thổ Bắc Bộ về mai táng.

Trao đổi với VietNamNet về xu hướng hỏa táng của người Việt, TS. Bình cho biết, từ năm 1996 đến năm 2000, hình thức tang lễ này còn mới mẻ với người dân, chính quyền thành phố cũng chưa có chính sách hỗ trợ. Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội năm 2008, thời kỳ này chỉ có 6% người chết được hỏa táng.

Đến năm 2010, khi UBND TP. Hà Nội có chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng 3 triệu đồng/ trường hợp và chi phí vận chuyển 1 triệu đồng đối với khu vực ngoài thành, 500 nghìn đồng với khu vực nội thành (áp dụng hết năm 2020), thì xu hướng hỏa táng của người dân tăng lên rõ rệt.

Cụ thể: năm 2010: 18,5%, 2011: 27,5%, 2012: 30,9%, 2013: 37,9%, 2014: 42,07%, 2015: 46,28%, 2016: 48,06%, 2017: 55%, 2018: 59,87%.

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội năm 2018

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội năm 2018

Ngoài Hà Nội, một số khu vực ở 11 tỉnh trung du và châu thổ Bắc Bộ cũng có tỷ lệ hỏa táng tăng vọt: từ năm 2013 đến 2018 tỷ lệ hỏa táng lần lượt là: 13%, 35%, 44%, 45%, 52%, 53%.

Điển hình, tỷ hỏa táng ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là 39,73%. Một số địa phương là huyện miền núi – nơi đất đai còn rộng, mật độ dân số còn thưa nhưng đã bắt đầu quan tâm và thực hiện: xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang: 11%; thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang: 10,8%.

‘Trong 3 năm gần đây, hỏa táng đang trở thành một xu hướng mới, một bước chuyển biến mới trong nghi lễ tang ma của người Việt’ – TS. Bình nhận định.

So sánh về mặt kinh tế, nghiên cứu của TS. Bình nêu rõ, tổng chi phí cho một ca hỏa táng hiện nay hết khoảng 11-12 triệu đồng. TP. Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ hỗ trợ mức tối thiểu là 4 triệu đồng/ ca từ ngân sách thành phố, 2 triệu đồng/ ca từ ngân sách huyện, nhiều xã cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/ ca, nên thực tế người dân chỉ phải chi trả 4-6 triệu đồng. Mức chi phí này theo tính toán của người dân thấp hơn nhiều so với các khoản chi cho hình thức hung táng - cải táng.

Với hung táng, các gia đình phải chi cho quan tài bằng gỗ tốt với giá hơn 10 triệu đồng. Chi phí cho một lễ bốc mộ hiện nay khoảng 30 triệu đồng (bao gồm việc mua tiểu, quách, các loại nước rửa, thuê người bốc và cỗ bàn ăn uống, chưa tính nguồn nhân lực huy động vào việc này rất lớn).

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội năm 2018

Qua khảo sát và phỏng vấn người dân, TS. Bình cho biết, một bộ phận người dân còn chưa đồng tình với cách thức mai táng này do lo ngại ‘người đã mất không được siêu thoát, ‘có người sợ cảm giác nóng khi hỏa táng’. Một số khác cảm thấy hoặc sợ bị cộng đồng đánh giá là bất hiếu.

‘Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người còn e ngại hay phản đối hỏa táng thường sẽ thay đổi nhận thức sau khi tận mắt chứng kiến, tham dự hỏa táng của người thân và nhận thấy không có hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực nào do hỏa táng gây ra cho gia đình và cộng đồng’.

‘Về mặt tâm linh, đa phần các ý kiến được hỏi đều khẳng định cho đến nay, không thấy có việc các gia đình có người thân được hỏa táng gặp phải những điều bất trắc sau tang lễ’.

Ngoài ra, sau khi khảo sát và phỏng vấn cán bộ, người dân, TS. Bình nhận thấy có một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định hỏa táng của người dân một số khu vực, đó là tôn giáo và đất đai.

Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, tôn giáo và đất đai chỉ là nguyên nhân thứ yếu khiến cho tỷ lệ hỏa táng thấp ở một số cộng đồng. Yếu tố quan trọng nhất trong việc chuyển đổi thực hành mai táng là vấn đề nhận thức của người dân và việc này liên quan chặt chẽ tới công tác tuyên truyền, vận động.

Số liệu thực tế cho thấy đã có một số tỉnh sau thời gian tăng nhanh lại diễn ra sự suy giảm tỷ lệ hỏa táng một cách đột ngột vào năm 2018 như quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Đông Anh (Hà Nội).

Lý giải hiện tượng này, TS. Bình nhận định: Người Việt là tộc người theo tín ngưỡng đa thần, có tâm thế cởi mở để tiếp nhận các yếu tố, lễ thức tôn giáo mới nhưng cũng dễ thay đổi. Chính vì vậy, cần có nghiên cứu sâu hơn về khả năng duy trì sự ổn định của tập tục hỏa táng mới trong nghi lễ tang ma của người Việt.

Bà cũng đề xuất nên quy hoạch lại các nghĩa trang một cách thống nhất, dài hạn, đặt ra quy định về diện tích đất cho từng phần mộ, thiết kế mộ tạo sự thống nhất về hình thức, công bằng trong sử dụng đất đai.

Xem thêm clip: Phát hiện mộ cổ, di hài còn nguyên vẹn

Phát hiện mộ cổ, di hài còn nguyên vẹn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chi-phi-hoa-tang-chi-vai-trieu-re-hon-boc-mo-rat-nhieu-1354570.html