Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án lấy ở đâu?

TAND Tối cao được giao cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên.

Sau khi thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi), chiều 16-6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự luật này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hòa giải, đối thoại các vụ việc có yếu tố nước ngoài vào phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC, trong đó đã bao gồm cả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có yếu tố nước ngoài như ý kiến ĐBQH nêu.

Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho được giữ như trong dự thảo luật.

Quốc hội chiều nay đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: CHÂN LUẬN

Quốc hội chiều nay đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị “TAND Tối cao quy định việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên”. Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo luật.

Theo đó, TAND Tối cao là cơ quan cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, thanh tra viên, chấp hành viên thi hành án dân sự, thẩm tra viên tòa án ngạch thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp, thư ký tòa án ngạch thư ký viên chính, thư ký viên cao cấp… thì đương nhiên có thể là hòa giải viên.

Dự luật cũng quy định sau khi nhận được thông báo của thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại về việc chuyển vụ việc đến hòa giải viên để tiến hành hòa giải, đối thoại. Người bị kiện có quyền đồng ý, từ chối hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và yêu cầu hòa giải viên chuyển vụ việc cho tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng.

Một trong hai điều luật được Quốc hội biểu quyết riêng là “Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án”. Theo đó, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ một số trường hợp.

Cụ thể là chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án.

Ngoài ra là chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành

Cuối cùng là chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Dự luật cũng trao cho Chính phủ thẩm quyền quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí này.

Quy định này được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành.

Đối với toàn văn dự luật, 90,27% ĐBQH đã tán thành thông qua. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chi-phi-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-lay-o-dau-918895.html