Chi nghìn tỷ mua SGK dùng một lần: Lãng phí quá!

Phải làm sao cho nội dung SGK tương đối ổn định về nội dung, ít nhất cũng phải dùng được mấy năm, đồng thời xóa bỏ độc quyền in ấn.

Nhớ một thời truyền tay nhau cuốn SGK tới ngả màu

Theo thống kê mới được công bố, mỗi năm người Việt chi 1000 tỷ đồng mua sách giáo khoa (SGK), chủ yếu chỉ để dùng 1 lần.

Xót xa trước thực trạng lãng phí trên, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc in chung câu hỏi chứa phần giải đáp án trong SGK cho học sinh làm là đại lãng phí.

Trước kia một cuốn sách mà anh chị dùng biết giữ gìn sẽ dùng được cho 5-7 năm thế hệ lớp dưới dùng được, anh học, em học, thậm chí còn cho cháu học.

Mỗi cuốn sách giờ đây in xong chỉ dùng một lần rồi bỏ làm phế liệu. Trong khi còn rất nhiều học sinh vùng khó khăn còn đang thiếu sách, hàng năm vẫn cần từ thiện cung cấp SGK.

Ông Nhĩ nói: "Điểm quan trọng, một cuốn SGK không thay đổi ngày 1, ngày 2, nếu có thay đổi thì chỉ cần bổ sung bằng một tập sách nhỏ, thậm chí vài trang giấy. Ví dụ như Liên bang Xô Viết trước đây, giờ thay đổi thành nước Nga thì có thể chỉnh sửa bên dưới, chứ không cần in lại hẳn quyển SGK.

Sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần gây lãng phí.

Đúng ra cần có một cuốn SGK, cần một cuốn sách bài tập riêng, hàng năm chỉ in sách bài tập, không cần mua lại SGK. Tôi rất chia sẻ với những búc xúc của phụ huynh hiện nay và nhớ lại một thời truyền nhau cuốn sách thậm chỉ ngả màu vàng ruộm.

Chỉ cần đặt một phép tính cơ bản, mỗi học sinh đi học phải mua hàng chục cuốn sách, mỗi năm nhà xuất bản bán ra một khối lượng sách cả trăm triệu bản rồi năm sau bỏ đi là rất lãng phí.

Và việc dùng sách cũ không thể coi là tư duy hoài cổ, vấn đề là sử dụng cơ sở vật chất thế nào cho có lợi. Tội lãng phí còn lớn hơn".

Cũng theo ông Nhĩ, việc dùng lại sách không chỉ có Việt Nam mới làm như vậy mà các nước họ cũng đang làm như thế. SGK chỉ nên in kiến thức cơ bản nhất để học sinh dùng trong nhiều năm, còn mỗi cuốn SGK có thể vài trăm trang, nhưng bài tập chỉ có thể bằng 1/10, như vậy đã tiết kiệm rất nhiều.

"Bộ GD-ĐT nên sớm có chủ trương chỉ đạo các nhà chủ quản, nhất là trong giai đoạn sắp thay đổi nội dung SGK, cần làm mục tiêu dùng vài năm. Có thể cho in thêm một cuốn sách bài tập riêng.

Ví dụ trong SGK có 100 trang thì bài tập chỉ có 20 trang, hàng năm nếu có thay bài tập khác cũng giảm lãng phí đáng kể. Hoặc vẫn in câu hỏi trong SGK nhưng bài tập nên cho học sinh làm ra vở, như vậy cũng tiết kiệm rất nhiều.

Chúng ta đang có không ít khó khăn về kinh tế, không nên lãng phí bất cứ một lĩnh vực nào, dù là nhỏ nhất", ông Nhĩ kiến nghị.

Cần xóa bỏ độc quyền

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Phạm Tất Dong - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, nước chúng ta nghèo nhưng xài sang, dùng giấy vô tội vạ, SGK chiếm 50-70% lượng giấy cả nước đang sử dụng.

Đặc biệt, SGK chỉ dùng 1 lần, vì in luôn bài tập, học sinh làm luôn trên đó chứ không làm trên vở, sau đó học xong bỏ đi. Cho nên, đây là sự lãng phí khủng khiếp.

"Có rất nhiều trường ở phía Bắc Âu tôi đã từng đến dạy, nhà trường toàn đưa sách cũ cho học sinh chứ không đưa sách mới. Đó là sách của lớp trước dùng lại.

Có những quyển sách qua đến 6 lần học sinh, tức 6 năm học, một sự tiết kiệm ngân sách đúng đắn, trong khi họ toàn là những đất nước quá giàu có.

Chúng ta cứ như vậy sẽ tốn tiền của người nghèo, muốn tiết kiệm không được, nên tôi rất bức xúc. Trong khi, đã phải xài hoang phí nhưng vẫn thiếu, vẫn cháy SGK, đòi hỏi phải in nhiều thêm. Tôi hỏi bên nhà in, có 100 học sinh, in 105 bộ chứ không in thiếu dưới 100, nhưng tại sao lại thiếu thì phải tổng kết.

Liệu đây có phải chiêu bài tăng lợi ích của nhà xuất bản hay không, khi hiện tại họ đang độc quyền. Vì thường họ làm theo đơn đặt hàng của từng địa phương, từng trường, thiếu không thể mua thêm nên họ hay mua dư, đặt dư, nên khó có chuyện thiếu", ông Dong phân tích.

Ở góc độ khác, theo ông Dong, người in sách không bao giờ lỗ vốn, chỉ có người tiêu dùng è cổ ra trả tiền. Có ai đi mua sách mặc cả tiền, giá in trên bìa cứ thế mua, khi làm họ đã mặc định tính toán mức giá sao cho có lãi.

Cho nên, ở đây chỉ khổ người tiêu dùng, chứ nhà xuất bản chưa năm nào khốn khổ vì in thừa. Mà có phải bù lỗ thì đó lại là tiền ngân sách và khi đó, tiền thuế cũng là tiền của dân, dân hai lần thiệt, vừa phải chịu mua sách với giá không có sự cạnh tranh để lựa chọn, một mặt, vẫn phải bỏ tiền bù lỗ cho nhà xuất bản.

"Một là, phải bỏ cách làm này, làm sao cho nội dung SGK tương đối ổn định về nội dung, ít nhất cũng phải dùng được mấy năm, thế hệ này dùng xong thế hệ sau vẫn dùng.

Hai là, nội dung bài tập phải làm thì viết vào vở như thường, làm xong quyển vở bỏ đi cũng không sao, chứ còn SGK bỏ đi thì quá lãng phí.

Ba là, phải xóa bỏ độc quyền trong in SGK, sau này, cố gắng SGK có nhiều bộ khác nhau, một chương trình ở vùng núi có phần mềm riêng, thành phố có phần mềm riêng, nên các địa phương tự chịu trách nhiệm nội dung riêng.

Dịch vụ SGK đang không đứng ở góc độ cót lõi của người dân như thế nào, trong khi người dân đã đủ các khoản đóng góp, SGK đắt, 50.000đ-70.000đ với người giàu không bao nhiêu, nhưng người nghèo có khi là tiền ăn cả tháng", ông Dong nói thêm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/chi-nghin-ty-mua-sgk-dung-mot-lan-lang-phi-qua-3364496/