Chi ngàn tỉ mỗi tháng ăn rau quả nhập

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm nay VN nhập khẩu đến 1,43 tỉ USD rau quả, tăng 13,1% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó rau nhập đạt 377 triệu USD.

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chi 830 tỉ đồng mua rau ngoại mỗi tháng

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, nhập khẩu rau 10 tháng qua đạt 377 triệu USD, tăng 36,5% so cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mỗi tháng người Việt chi 830 tỉ đồng cho rau nhập khẩu.

Nguồn: Bộ NN-PTNT - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG, ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Nhìn sự "bành trướng" của rau củ ngoại trên thị trường có thể thấy rõ điều này. Chỉ riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau quả Trung Quốc. Theo lãnh đạo đơn vị này, mỗi ngày lượng hàng hóa qua chợ khoảng 4.500 - 5.000 tấn, trong đó khoảng 10 - 15% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian qua rau củ nhập khẩu tăng do thời tiết trong nước không thuận lợi ảnh hưởng đến sản lượng. Chủng loại, giá cả và số lượng hàng nhập cũng tùy thuộc mùa vụ phía Trung Quốc, thường rẻ hơn 20 - 30% so với hàng trong nước. Nhiều chủ vựa ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết rau quả Trung Quốc là cách nói quen thuộc nhưng thực tế còn có nhiều nguồn khác như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines...

Việc nhập khẩu này trước mắt tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn; mặt khác nó tạo áp lực để ngành nông nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất theo hướng giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Vấn đề là phải tổ chức nông dân liên kết lại thành các mô hình sản xuất lớn theo các tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN

Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng rau củ ngoại phổ biến như: cải bắp, cải thảo, súp lơ, khoai tây, cà rốt, tỏi, hành, gừng, nấm... vẫn được bán chung với hàng nội địa. Người bán không quan tâm lắm đến xuất xứ, nguồn gốc. Cô Sáu Hoa ở chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM) nói thẳng: “Giờ tôi cũng không quan tâm hàng ta hay Tàu gì cả. Cái nào có nhu cầu thì mình bán. Như mấy củ khoai tây to đẹp này tôi hay thấy người ta mua về chiên, nhất là các nhà hàng, quán nhậu vì chế biến rất lợi. Theo kinh nghiệm bán hàng của tôi, những thứ đó phần lớn là hàng Trung Quốc, vẫn cạnh tranh được vì giá rẻ hơn hàng Đà Lạt khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Mà nếu không có mấy cái đồ này thì hàng trong nước của mình chắc không đủ bán và giá sẽ rất cao”.

Trong khi các loại rau củ Trung Quốc, Thái Lan được bán chủ yếu tại các chợ truyền thống thì một số sản phẩm rau ngoại nhập khẩu từ thị trường cao cấp đã vào đến siêu thị. Dễ thấy nhất là sản phẩm nấm và rong biển. Tại hầu hết các hệ thống siêu thị, các loại nấm xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản đang chiếm ưu thế. Phổ biến như nấm đùi gà, nấm đùi gà baby, nấm kim châm, nấm đông cô... được đóng gói thành từng túi nhỏ từ 200 - 300 gr, giá trung bình khoảng 100.000 đồng/kg. Theo các nhà nhập khẩu, trước đây họ thường nhập hàng từ Trung Quốc do giá rẻ nhưng gần đây để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, phải chuyển sang nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản phẩm Hàn Quốc đang chiếm ưu thế vì chất lượng tốt và giá cạnh tranh hơn so với hàng Nhật. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất lớn nhưng nhiều loại trong nước chưa sản xuất được, chủ yếu chỉ một số loại cơ bản như nấm rơm, bào ngư.

Trái cây ngoại nhập tăng mạnh

Tính đến cuối tháng 10, nguồn rau quả nhập khẩu từ Mỹ tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm trước, Hàn Quốc tăng hơn 82%, Chile 73%. Còn vào thời điểm cuối tháng 6.2018, nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là thị trường Hàn Quốc, gấp 2,1 lần, tiếp đến là Úc tăng 2,05 lần và thị trường Mỹ tăng 93,3%. Tuy nhiên, thị phần đứng đầu vẫn là Thái Lan chiếm 43,3% và Trung Quốc chiếm 23,1%.

Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế tại thị trường nội địa. Khảo sát một vòng thị trường TP.HCM có thể thấy, trái cây nhập rất đa dạng về chủng loại và giá cả. Trong các siêu thị và chợ truyền thống, các loại trái cây ngoại phổ biến xuất xứ từ Mỹ, Úc, New Zealand như: táo, lê, nho, cam... có giá từ 38.900 đồng/kg đến khoảng 200.000 đồng/kg tùy loại. Từ chủng loại cho đến giá cả, các loại trái cây này khá tương đồng với hàng trong nước và đang tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt.

Ở phân khúc cao cấp, hàng ngoại đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Thị trường hiện nay đang sốt sản phẩm nho xanh Nhật Bản có giá đến 1,6 triệu đồng/hộp khoảng 0,5 kg, rẻ hơn một chút là nho xanh Hàn Quốc có giá 760.000 đồng/kg. Hay quả chà là tươi nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Đông với giá khoảng 450.000 - 500.000 đồng/kg.

Đại diện một cửa hàng cho biết, số lượng khách mua ngày càng tăng. "Người Việt đi du lịch ngày càng nhiều, họ đã biết, đã thử các sản phẩm này ở các nước rồi nên mình nhập về tiêu thụ rất tốt. Nhưng nhiều nhất vẫn là mua làm quà biếu", vị này nói. Các cửa hàng bán trái cây ngoại mọc lên khắp nơi, trong các siêu thị rau quả nhập khẩu cũng chiếm ưu thế, các “cửa hàng” bán online trên mạng càng sôi nổi hơn. Tại một cửa hàng bán trái cây có tiếng gần chợ An Đông có đầy đủ trái cây đặc sản của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Úc, Trung Đông... Các loại táo, lê, kiwi, lựu, cherry, hồng... có giá vài trăm ngàn đồng một ký giờ cũng trở nên phổ biến.

Rau quả nội vẫn thường xuyên kêu cứu

Ngoài lý do rau quả nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước, rau quả nhập tăng mạnh đồng nghĩa với một lượng không nhỏ rau quả nội bị chiếm chỗ. Minh chứng rõ nhất là những sản phẩm trong nước đồng dạng với hàng nhập vẫn thường xuyên kêu cứu.

Đơn cử như chuối nhập từ Philippines bán khắp các siêu thị thì chuối trong nước lại ế vườn, dội chợ; sầu riêng Thái Lan giá đắt đỏ vẫn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn thì mới đây, các nhà vườn sầu riêng "méo mặt" vì bán không được. Rồi bòn bon, măng cụt Thái Lan, chôm chôm, cam, nhãn... và nhiều loại trái cây, rau củ trong nước phải chặt bỏ, đổ tháo ngoài ruộng trong khi hàng nhập vẫn sống khỏe.

Nhận xét về con số rau quả nhập khẩu tăng mạnh trong 10 tháng qua, TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho biết bà không quá bất ngờ về con số trên. Việc nhập khẩu tăng cũng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân. Nếu nhìn ở góc độ sản xuất, rõ ràng ngành nông nghiệp của chúng ta đang có vấn đề vì chưa đáp ứng tốt những nhu cầu cơ bản của thị trường nội địa. Nguyên nhân là chúng ta sản xuất còn nhỏ lẻ, tính an toàn của sản phẩm chưa cao nên người tiêu dùng còn lo ngại; giá cả còn cao nên chưa thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng chủng loại.

Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng người tiêu dùng bị rào cản tâm lý về chất lượng với rau củ nội địa. Rau củ nói chung hiện nay được tiêu thụ chủ yếu ở chợ truyền thống. Ở kênh phân phối này yếu tố quyết định vẫn là giá cả và sự tiện lợi.

Các doanh nghiệp Việt cũng nhận ra được vấn đề này và thời gian gần đây đã đẩy mạnh đầu tư khá mạnh vào nông nghiệp. Tuy nhiên phần lớn các đơn vị vẫn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xây dựng được chuỗi giá trị, kênh phân phối đủ rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Đó là lý do chính khiến hàng giá rẻ từ nước ngoài chiếm ưu thế và lượng nhập khẩu ngày càng tăng. Ở kênh phân phối hiện đại, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, họ phải đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chất lượng cao. Mấy năm qua xuất khẩu rau quả tăng mạnh mà nhập khẩu cũng nhiều, và đây là thời điểm cần tỉnh táo nhìn lại các con số này để quy hoạch lại sản xuất làm sao đáp ứng yêu cầu nội địa và xuất khẩu bền vững hơn.

Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/chi-ngan-ti-moi-thang-an-rau-qua-nhap-1024219.html