Chi ngân sách lắp camera đường phố: Cẩn thận 'tàu đắm vì lỗ rò nhỏ'!

'Sử dụng ngân sách trong bối cảnh nhu cầu nhiều, tiền ít thì phải có cách 'liệu cơm gắp mắm', chi tiêu gì cũng có thứ tự ưu tiên thì mới phát triển được'.

Đó là phát biểu của Đại biểu tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ, ủy viên thường trực UB Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng liên quan đến việc hai tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng có kế hoạch sử dụng ngân sách để lắp đặt camera đường phố.

Như truyền thông đưa tin, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành 2 quyết định về việc chi tổng số hơn 173,5 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông và camera giám sát thí điểm tại 15 trường học.

HĐND tỉnh Vĩnh Long đã thông qua đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ. Theo đó, Vĩnh Long sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác hơn 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí.

Dĩ nhiên, dư luận hiện có những phản ứng trái chiều trước sự việc trên. Và vấn đề đặt ra ở đây là: Việc lấy tiền ngân sách để chi cho việc lắp đặt camera như vậy có đúng luật không? Có nhất thiết phải lắp camera với số tiền lớn như vậy ở một tỉnh không giàu?

Khách quan mà nói, vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự là nhu cầu của địa phương mà người dân còn nhiều quan tâm lo lắng. Đây không phải trường hợp cá biệt của Vĩnh Long hay Sóc Trăng. Có điều, một số tỉnh cần chính sách ưu tiên, nhưng so với nhiều nhu cầu cấp thiết khác thì chưa phù hợp.

Quốc hội, Chính phủ rất nghiêm trong sử dụng ngân sách, nhưng một số địa phương, đặc biệt ở những nơi xa Trung ương, còn nghèo, lại vô cùng lỏng lẻo. Đây cũng là tình trạng điển hình của “trên nóng dưới lạnh”, “trên nghiêm dưới không nghiêm”.

Vì ngân sách là tiền thuế của dân, trong bối cảnh năm nào cũng bội chi ngân sách 200-300 nghìn tỷ đồng mà chi tiêu không đúng mục tiêu, mục đích, đại biểu tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ cho rằng: “Mỗi chỗ một chút, không 'thắt lưng buộc bụng' thì 'tàu đắm vì lỗ rò nhỏ'. Lỗ rò lớn người ta bít được ngay nhưng lỗ rò nhỏ thì lại chủ quan, khó phát hiện nên rất nguy hiểm”.

Rất nhiều điều để nói xung quanh vấn đề Đại biểu Hạ đề cập. Cái “lỗ rò” này thật ra nó không to như kiểu tham nhũng vài nghìn tỷ, nhưng nó lại để lại hệ quả dây chuyền. Bởi, tỉnh này xin được tiền để lắp camera cho “nở mày nở mặt”,thì tỉnh nọ thấy lại “con gà tức nhau tiếng gáy”, lại tìm cách để xin ngân sách, vậy thì còn nguy hiểm cho ngân sách vốn đang oằn lưng gánh nợ công.

Tiền ngân sách chỉ nên đầu tư cho những vấn đề bức xúc nhất, cần thiết nhất như hạ tầng giao thông, an sinh xã hội, đó mới là ưu tiên số 1. Việc nào dùng từ tiền ngân sách phải xem xét mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, còn cái nào xã hội hóa được thì nên xã hội hóa để đỡ tốn kém ngân sách nhà nước.

Dân gian có câu “nhà giàu chơi sang” để nói về những thú chơi của người giàu khi họ đã đủ ăn đủ mặc, đó cũng là lẽ tất nhiên, khi mà kinh tế đã vững chãi, người sẽ nghĩ đến những thú chơi làm sao để thỏa mãn những nhu cầu của mình mà không ai dám so kè, dè bỉu. Vì vậy, dường như ai cũng bất ngờ khi Vĩnh Long, Sóc Trăng sử dụng tiền ngân sách lắp camera nơi công cộng mà không xã hội hóa.

Nhìn lại câu chuyện xin ngân sách để lắp camera an ninh, đường phố ở hai tỉnh nghèo miền Tây, ta chột dạ tự hỏi: Bao giờ thì các vị lãnh đạo mới thực sự quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của người dân để từ bỏ những giấc mơ lơ lửng chín tầng mây kiểu “nhà nghèo chơi sang” như vậy.

Hay nói cách khác, cần phải biết chắt chiu khi sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt, đóng góp của nhân dân, phải làm sao đồng tiền đó đầu tư vào đúng mục đích, đúng địa chỉ, hiệu quả nhất.

Hải Đăng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chi-ngan-sach-lap-camera-duong-pho-can-than-tau-dam-vi-lo-ro-nho-160163.html