Chỉ mới khởi đầu cho phố cổ Hội An

Du khách gia tăng đã tạo áp lực lớn lên môi trường tự nhiên và xã hội cho TP Hội An (Quảng Nam). Hàng loạt giải pháp đã được chính quyền Hội An thực hiện trong thời gian gần đây với những kỳ vọng ban đầu nhưng cũng xuất hiện những hoài nghi về tính hiệu quả của từng dự án.

Xử lý nước thải Chùa Cầu
Sau 18 tháng thi công, công trình Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện với tổng giá trị 243 tỷ đồng (tỉnh Quảng Nam đối ứng 4,2 tỷ đồng), đã chính thức đi vào hoạt động, tạm thời chấm dứt điểm gây ô nhiễm đáng “xấu hổ” nhất của Hội An trong mắt du khách.

Bộ quy tắc ra đời rất cần thiết để tạo chuẩn mực ứng xử tại điểm du lịch, nhất là tại Hội An. Dù nó không phải là “cây đũa thần” có thể làm thay đổi tất cả chỉ trong chốc lát, nhưng đó là sự thể hiện hành động quyết liệt của Quảng Nam hướng tới môi trường du lịch văn minh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Sơn,
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An

Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Phòng TNMT TP Hội An, nước nhà máy xử lý đã đạt tiêu chuẩn loại B (tương đương nước tự nhiên), đảm bảo nguồn nước sẽ ổn định trở lại. “Việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu đi vào vận hành sẽ giải quyết được vấn đề nước thải không chỉ tại Chùa Cầu, mà cả nước thải sinh hoạt khu vực phường Tân An và khu dân cư thuộc tỉnh lộ 607 (ước chiếm khoảng 30% lượng nước thải của TP) cũng sẽ được xử lý tốt” - ông Hùng nói.

Trước khi có nhà máy, dòng nước kênh Chùa Cầu ô nhiễm khá nặng nề và kéo dài nhiều năm, do khu vực xung quanh nhiều nhà hàng, kháchsạnhoạt động xả thải trực tiếp ra khe thoát nước Chùa Cầu.

Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học - Công nghệ), nồng độ một số chất đo được tại vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Cụ thể, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250-350 mg/l, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn Coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Lượng nước ô nhiễm và tù đọng lâu ngày hôi thối khiến người dân và du khách khó chịu mỗi khi qua.

Nước tại Chùa Cầu đã được xử lý. Ảnh: NGỌC PHÚC

Nước tại Chùa Cầu đã được xử lý. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ngày 20-8-2014, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cải thiện chất lượng nước tại khu vực chùa Cầu” nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm nơi đây. Tháng 3-2017, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu được khởi công xây dựng trên diện tích 3.752m2, công suất xử lý 2.000m3/ngày đêm, áp dụng công nghệ xử lý nước thải năng lượng thấp, được xem là tốt nhất của Nhật Bản đến thời điểm hiện tại. Song thực tế, dù mùi hôi đã hết nặng nhưng vẫn còn, nhất là buổi trưa chiều.

Chấn chỉnh môi trường du lịch
Việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu vào hoạt động là nỗ lực của TP Hội An, nhằm giữ hình ảnh cho di sản này trong mắt khách du lịch. Tuy vậy, Hội An không chỉ đối diện với ô nhiễm môi trường tự nhiên, điều đáng lo ngại hơn là sự xuống cấp của môi trường du lịch. Tình trạng cò mồi, chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh xảy ra ngày càng phức tạp. Du lịch đã mang lại những tác động tiêu cực, tạo sức ép ngày càng lớn lên các mặt đời sống xã hội.

Năm 2017, Hội An đón hơn 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú. Nhưng chỉ trong 9 tháng 2018, số lượng khách đến TP này đã tăng kỷ lục với 4,55 triệu lượt. Đầu tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã ký Quyết định 3285/QĐ-UBND ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam. Đây được kỳ vọng là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm điều chỉnh những hành vi, chuẩn mực của các đối tượng khi tham gia hoạt động du lịch, chủ yếu tại Hội An.

Bộ quy tắc có 3 chương 9 điều, tập trung 3 nhóm đối tượng chính, gồm khách du lịch đến Quảng Nam và người Quảng Nam đi du lịch; các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đối tượng tham gia du lịch phải thực hiện những quy tắc chung, như tuân thủ pháp luật Việt Nam; thực hiện đúng các nội quy, quy định tại các khu, điểm du lịch; tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán địa phương; bảo vệ cảnh quan, môi trường và giá trị văn hóa, lịch sử tại các khu, điểm du lịch… Ngoài ra, tùy từng đối tượng, bộ quy tắc có những quy định riêng

Việc ban hành bộ quy tắc du lịch này được xem là cấp thiết trong tình hình hiện nay, nhất là khi môi trường du lịch Quảng Nam đang đối diện nhiều thách thức từ nạn cò mồi, chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh, đến những hành vi chưa chuẩn mực của du khách tại điểm tham quan.

Ngọc Phúc

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/chi-moi-khoi-dau-cho-pho-co-hoi-an-63698.html