Chi Lăng mùa na chín

Lên Chi Lăng mùa na chín để cảm nhận về loại na đặc sản vùng này quả là một điều thú vị. Nhà nhà bán na, người người mua na một khung cảnh thật tấp nập…

Thích nhất là được lên huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn vào đúng mùa na chín. Gió đã chơm chớm chuyển thu, nắng sớm từ phía Đông rọi tới dãy núi Cai Kinh sững sững uy nghi bên trái quốc lộ 1B vun vút xe xuôi xe ngược. Đó là một dãy núi đá lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại. Nơi đây vốn được coi là “ải hiểm tựa lên trời” với danh truyền “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 người đến, chỉ có một người quay trở về).

Tôi phóng tầm mắt nhìn ngước lên triền núi, háo hức ngắm ngợp một màu xanh nõn nà của bạt ngàn những cây na. Cây na Chi Lăng thật khéo léo (tôi muốn gọi như thế) khi nối nhau “trèo” lên những dốc đá chừng như thẳng đứngmà tươi mà tốt. Cây na Chi Lăng thật bền bỉ (tôi cũng muốn gọi là thế) khi cây cần mẫn bám rễ chắc sâu vào từng thớ đá mà trổ hoa kết trái.

Na vào vụ. Ảnh: NTV

Na vào vụ. Ảnh: NTV

Na Chi Lăng bắt đầu vào vụ thu hái. Ở trung tâm thị trấn Chi Lăng cho dù có chút khiêm tốn nhưng du khách vẫn dễ dàng nhận ra bảng chữ được kết bằng những bóng đèn điện với nội dung “Ngày hội na Chi Lăng – 2018” được dựng ngay giữa bùng binh ngã ba (chắc tối đêm đèn điện sáng dòng chữ nổi phải biết). Một cảm giác hân hoan ùa tới khi tôi được trở lại đất này sau hơn 10 năm xa vắng và đặc biệt là khi nghe giọng ai đó thốt lên “thủ phủ na đây rồi”.

Thị trấn Chi Lăng, cái thị trấn nhỏ ven đường quốc lộ 1B này ngày thường với những ngôi nhà nép dưới tán cây bình lặng trông bóng người, xe thì nay như được dựng lên những “bờ tường na” vậy. Dọc hai bên hè phố là vô vàn những thùng, những rổ những khay đựng na quả được kê cao cách mặt đất chừng năm chục phân, đó là những quả na mới hái được xếp chồng lên nhau thành hình chóp nón rất gợi mời du khách.

Tôi nhớ ngày xưa mỗi bận về quê trước khi bước vào năm học mới. Vườn nhà bà ngoại thoảng mùi na chín. Bà ngoại cười dí dí ngón tay vào trán tôi mà nói “Cha bố nhà anh. Đứng đấy làm gì chạy mau ra gốc na xem có quả nào mở mắt không”. Tôi chưa hiểu nhíu mày hỏi lại “Na mở mắt là gì hả bà?”. Bà ngoại thôi dí dí ngón tay, thôi mắng yêu, bà giải thích “là na chín chứ sao”. Thời trước làng tôi chỉ có mấy nhà là có cây na. Những cây na lá xanh mướt sau mưa gặp nắng như mướt xanh thêm. Tôi chạy ù ra góc vườn, ngửa cổ trông lên giọng ráo riết “Bà ơi, na mở mắt rồi bà ạ”.

Rồi bà đưa cho tôi chiếc gậy hái na. Gọi là gậy hái na là bởi cây na có thân giòn rất dễ gẫy. Không khéo mà hấp tấp đu lên cành gẫy ngã sưng mông có ngày. Người làng quê tôi đã sáng tạo nên những chiếc gậy hái na thật hay hết biết. Đầu trên của gậy được buộc một chiếc liềm cắt lúa mòn ngắn ngủn nhưng xem chừng vẫn còn tác dụng. Đưa cây gậy hái na lên, lựa cho liềm ngoắc vào cuống quả na rồi kéo giật xuống.

Quả na rơi nhẹ, rơi gọn vào chiếc giỏ tre được buộc ngay kế cán liềm. Tôi reo lên thích thú, quả na nguyên vẹn còn có cả vài chiếc lá mùi hăng hăng ngai ngái. Bà ngoại tôi bảo “Con cho vào thùng gạo. Chờ khi nào chín thơm thì lấy ra ăn”. Tôi cuống lên hỏi lại “Chờ lâu không bà”.“Cha bố nhà anh” bà lại mắng yêu.

Cây na xuất hiện ở huyện Chi Lăng khoảng hơn 20 năm trước. Dạo đó người dân Chi Lăng đang “lúng túng” với việc “chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng”. Những thửa đất ít ỏi dưới chân núi mỗi năm cấy một vụ lúa không đủ nuôi sống người dân. Những cây sắn cây khoai chỉ giải quyết bữa ăn đứt quãng. Dạo đó không biết ai đã đưa những cây na giống từ huyện Hoài Đức, Hà Nội lên đây và trồng trong vườn nhà.

Cây na Hoài Đức không ngờ lại hợp đất nơi này nhưng vườn nhà lại quá bé nhỏ khó cho việc mở rộng diện tích. Một số hộ dân đã thử đưa cây na lên trồng trên sườn núi đá. Thử nghiệm đó đã trở thành một phát minh của người nông dân nơi đây. Không ngờ cây na lại đặc biệt thích ứng với vùng núi đá ở đây và nhanh chóng trở thành vùng chuyên canh với 5 xã và thị trấn trong huyện. Hiện toàn huyện Chi Lăng có gần 15000 ha trồng cây na với sản lượng trên 6300 tấn, trở thành vựa na lớn nhất của cả nước.

Mùa na năm nay đến sớm, ông bạn đồng hành cùng chuyến xe chở đoàn cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa Đình Lập (Lạng Sơn) nhân kỷ niệm 40 năm ngày hành quân lên biên giới, tên là Đạt, quê ở huyện An Lão thành phố Hải Phòng nhưng lại là lần đầu tiên ông đi đường 1B lên Xứ Lạng nên ngạc nhiên hỏi cho rõ “Cây na mọc ngược lên núi thế kia thì hái na bằng cách nào?’.

Nhớ chuyện làng mình tôi nhanh nhẩu “Thì làm gậy hái na chứ sao”. Chao ơi, cứ tưởng mình hay không ngờ tôi bị một trận cười muốn chui xuống đất. Thì ra người dân nơi đây không chỉ “phát minh” ra việc trồng cây na trên núi đá mà họ còn “sáng chế” ra cách hái na và vận chuyển na xuống núi cũng rất “miền núi”.

Chỉ tay vào những đôi dây cáp chốc chốc lại xuất hiện trên những nương na lá xanh mươn mướt, người khách đi nhờ xe do xe của ông hỏng lốp ngang đường đang ngồi chung hàng ghế trên xe với tôi tên là Lẫm chỉ tay giảng giải “Ròng rọc kia sẽ chuyển na xuống núi. Là sao ư? các bác cứ hình dung như chuyện đi cáp treo lên Yên Tử thế nào thì ròng rọc kia cũng vậy”. Thì ra tuy ông Lẫm tuy là người Bắc Ninh nhưng mùa na nào cũng lên Chi Lăng đánh hàng, ông nói mạch dài “Cây na ở đây không cao. Đấy các bác thất đấy, nó chỉ hơn đầu người tí chút nên thu hái thuận tiện.

Quả na được thu hái tại cây nhờ một dụng cụ gọi là bộ tay hái xong thì được xếp gọn gàng vào những chiếc sọt tre đan rồi được ngoắc vào ròng rọc. Ròng rọc được điều khiển kiểu quay taytời nên từng chiếc sọt đầy na sẽ thong thả mà “hạ sơn”. Dưới đó đã có người trực sẵn họ nhanh nhẹn nhắc từng sọt ra khỏi ròng rọc và được chuyển bằng xe máy về chợ, về phố cho các bác mua đem về nhà gọi là quà Xứ Lạng”.Tôi gật gù “Ra vậy”.

Mùa na chín cũng là dịp cả phố Chi Lăng chợt thành “một cái chợ na”. Chợ dài dễ cả cây số chạytheo tuyến phố. Chợ trước cửa nhà. Chợ lui vào trong ngõ. Chợ dưới gốc cây. Chợ sát bên đường. Chợ bán lẻ từng cân hay hàng chục cân cho khách quá giang. Chợ tấp nập đóng thùng, đóng kiện cho mối đánh hàng qua bên kia biên giới, đánh hàng về xuôi. Người chào hàng, người ngã giá xôn xao vui đáo để.

Tôi ghé vào một quầy hàng với những rổ na xếp rất bắt mắt để hỏi. Chị bán hàng tên là Dung, người dân tộc Nùng, có dáng người đầm đậm nhưng nụ cười luôn đi cùng câu nói hớn hở khoe “Na nhà cháu mới hái đấy. Chở tít trong Quang Lang ra đấy (Quang Lang là một xã trong số năm xã thị trấn chuyên canh na của huyện Chi Lăng). Các bác nhìn xem. Quả nào ra quả nấy. Một cân bảy chục ngàn loại ngon nhất. Còn lại sáu mươi, năm mươi, bốn mươi ngàn cũng có”.

Tôi chọn chục quả có màu phơn phớt hồng viền quanh mắt na. Những quả nakhủng to bằng chiếc bát ăn cơm nhìn mà muốn ăn ngay. Chị Dung đặt lên giá cân. Tôi hốt hoảng, chục quả mà tới tận năm cân. Hai quả mà những một cân. Vị chi là ba trăm năm mươi ngàn. Chị Dung lại cười vui bên câu nói “Tiền nào quả nấy mà bác. Đắt nhưng nó sắt ra miếng”.

Giống na Hoài Đức hợp đất Chi Lăng nên ăn rất ngon. Thứ na chín mới đưa lên ngang miệng đã cảm thấy vị ngọt lịm lại thơm thơm. Na Chi Lăng là thứ na dai nên được nhiều người ưa chuộng. Lân la hỏi thêm tôi được chị Dung cho hay “Mỗi vụ nhà chị trừ mọi chi phí đi còn lãi ba trăm triệu”. Tôi lại ớ người “Vậy thì chẳng mấy mà giàu”. Mà người Chi Lăng thật đúng là “Gieo vàng trên núi đá” vậy. Kể từ khi cây na Chi Lăng phát triển cho tới nay không những thương hiệu Na Chi Lăng nổi danh cả nước mà bà con người dân tộc Nùng, dân tộc Tày nơi đây cũng từ đó mà khấm khá thu nhập bình quân đâu như cũng hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Nắng lên như xua đi cái hơi lạnh đầu thu toát ra từ núi đá. Mùi na chín chầm chậm tỏa như muốn níu kéo du khách. Tiếng hỏi giá. Tiếng cười vui râm ran. Ông bạn tên Lẫm người Bắc Ninh xem ra hôm nay có “phiên giao dịch” khá thành công. Ông ghé tai tôi nói nhỏ “Em là em đánh hàng vào tận trong Nam. Nói riêng với bác chứ bác đừng nói với ai nhé. Bí mật là thắng lợi năm mươi phần trăm rồi”. Tôi dứ mắt “Ông làm cứ như đánh trận không bằng”. Ông Lẫm cười tít “Chắc mùa na này em trúng quả đậm”. Tôi bảo “Không có người Chi Lăng trồng na cho ông đánh hàng thì ông có mà…”. Ông Lẫm suỵt suỵt ý bảo bác lại bóc mẽ em. Em biết ơn bà con nơi này lắm chứ”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chi-lang-mua-na-chin-79617.html