Chỉ là phù phiếm - nếu không thấu cảm nỗi khổ của dân!

Dù chúng ta có ngay một nhà hát opera, thì những thuộc tính của một đô thị văn minh, thân thiện với con người, hòa đồng với xã hội vẫn còn vời vợi. Là bởi, khi hàng triệu con người còn bị bủa vây bởi kẹt xe, ô nhiễm, bao trẻ nhỏ lớn lên với những giấc mơ hãi hùng trên lưng mẹ ngày ngập nước,… thì công trình 'tầm vóc thế kỷ' ấy, lúc này, nếu không thấu cảm nỗi khổ của nhân dân, khó khăn của đất nước, cũng chỉ là phù phiếm.

1. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, UBND TP.HCM đã kết hợp với các bộ, ngành liên quan, lập đồ án quy hoạch đưa Thủ Thiêm thành khu đô thị mới. Thủ Thiêm tỉnh giấc ngủ trăm năm, nhưng phải chứng kiến bao ngang trái do các thế hệ cán bộ, lãnh đạo thành phố này vô tình hay hữu ý giao đất tràn lan, khiến không gian, quy mô quy hoạch bị phá nát.

Khi khát vọng phát triển thực sự cho Thủ Thiêm, làm sao cho hài hòa, bền vững còn dang dở, nham nhở, TP.HCM lại tiếp tục đặt lên bán đảo những dự án ngàn tỷ tiền từ ngân sách, tiền từ bán/đổi đất nội đô, gây bao tranh cãi.

Đầu tiên là nhà hát Opera Thủ Thiêm 1.700 chỗ, xây từ tiền bán khu đất vàng 23 Lê Duẩn. Ai cũng phải thừa nhận rằng, xây dựng một không gian phục vụ thẩm mỹ âm nhạc hàn lâm của công chúng, giao lưu văn hóa quốc tế,… là cần thiết, hợp thời đại.

Nhưng thực chất lúc này, cái nhà hát chỉ là cái “vỏ” bên ngoài. Bên trong, thành phố đang thiếu ghê gớm những người sẽ ngồi vào nhà hát ấy, ở vị trí nhạc công của dàn nhạc, ở vị trí khán giả. Chúng ta có thể thuê người về chơi nhạc, mời các dàn nhạc quốc tế về trình diễn, thậm chí thuê người xem.

Và nếu vậy, sẽ chỉ là cách khoác lên công trình kia cái vỏ phù phiếm, trong lúc các nỗ lực để đảm bảo cho sự phát triển văn hóa bền lâu, là “lõi”, là “gốc” của công trình còn bỏ ngỏ.

Ta lại chưa “sinh cháu giữ nhà” mà đã vội… “sinh ông” !?

Phối cảnh quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thiết kế của tư vấn DeSo - Pháp.

2. Cũng tại Thủ Thiêm, dự án quảng trường trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm vừa mới đây lại gây xôn xao, dù lẽ ra phải là điểm sáng. Có vẻ như thành phố đã chưa chỉ ra cho người dân thấy hết được ý nghĩa và tầm vóc của dự án này.

Theo Kỹ sư chuyên ngành đô thị và bảo tồn Nguyễn Tuấn, quảng trường nôm na là một không gian công cộng mở, nơi giống như phòng khách trong căn nhà, mọi người tụ họp cùng tham gia một hoạt động chung… Từ thời Hy Lạp cổ đến nay, công năng của quảng trường đã biến đổi theo nhiều hướng, nhưng đều có 2 vai trò chính trong một đô thị hiện đại: Là nơi người dân tập hợp, tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghỉ ngơi; Nơi diễn ra các hoạt động có mục đích chính trị, tôn giáo, thương mại,…

TP.HCM thiếu không gian công cộng, các quảng trường đã ít, lại đa phần hoặc chỉ là điểm giao cắt giao thông, hoặc chỉ là nơi người dân tản bộ, hẹn hò,… thiếu hẳn một không gian công cộng có tầm vóc, để tổ chức các sự kiện lớn.

Dự án quảng trường trung tâm là dự án đã có trong quy hoạch, đã lên kế hoạch đầu tư từ lâu, trở thành một không gian công cộng quý giá cho không chỉ Thủ Thiêm mà còn cả cho thành phố.

Thế nên, Thủ Thiêm vì chưa phải là trái tim của đô thị Sài Gòn - TP.HCM, vì còn ít dân cư tại chỗ,… công trình quảng trường phải vượt thoát công năng và ý nghĩa của những công viên bờ sông, trở thành một bộ phận không thể tách rời, hài hòa với cảnh quan và mỹ quan đô thị.

3. Thủ Thiêm những ngày gần đây đã bớt “ngột ngạt”, nhưng câu chuyện về nhà hát opera vẫn nguyên vẹn những nhức nhối: Tại sao đàn hát ở Thủ Thiêm, khi những thắc mắc hàng thập kỷ của người dân về quy hoạch - điều chỉnh quy hoạch, ranh giới thu hồi đất, giá bồi thường,… chưa được giải đáp minh bạch?

Về quyết định xây nhà hát 1.500 tỷ đồng của TP.HCM, PGS.TS Phan An có ý kiến rằng, nước ta kinh tế còn khó khăn, các vấn đề sống còn về bệnh viện, trường học, đường sá, giao thông vận tải, ngập lụt,… vẫn chưa giải quyết xong. Vì vậy, chuyện xây dựng nhà hát nên xem xét lại. “Vấn đề nào cấp bách, cần đầu tư trước thì mình ưu tiên trước. Không nên chạy theo đám đông, thấy các nước lớn có nhà hát giao hưởng thì nước mình cũng phải có”, ý kiến này của TS Phan An đã nhận được nhiều sự đồng tình.

Và còn nữa, một thực tế, là dù chúng ta có ngay một nhà hát opera, thì những thuộc tính của một đô thị văn minh, thân thiện với con người, hòa đồng với xã hội vẫn còn xa vời vợi.

Là bởi, khi hàng triệu con người còn còn bị bủa vây bởi kẹt xe, ô nhiễm, bao trẻ nhỏ lớn lên với những giấc mơ hãi hùng trên lưng mẹ ngày ngập nước,… thì công trình “tầm vóc thế kỷ” ấy, lúc này, nếu không thấu cảm nỗi khổ của nhân dân, khó khăn của đất nước, cũng chỉ là phù phiếm.

Phước An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/chi-la-phu-phiem-neu-khong-thau-cam-noi-kho-cua-dan-46902