Chỉ là mây trời

Tôi khựng lại khi bất ngờ nghe một tiếng 'hít' chói tai phát ra từ đầu tàu hơi nước tỏa khói mù mịt cả một góc núi. Nó như thể được đào lên từ đâu đó trong xa vắng, không giống với thứ âm thanh 'ò e' của tàu diesel mà tôi vẫn nghe thường ngày.

Đã thế còn phụ họa bằng những tiếng “thở” xình xịch, phì phò khi leo núi.

Là hình ảnh mở đầu trong clip minh họa cho bài hát “Le retour de la Petite Tonkinoise” (Sự trở lại của cô em Bắc Kỳ nho nhỏ) được Georges Villard viết lời từ đầu thế kỷ 19. Chỉ là hơi buồn cười bởi là Tonkinoise - Bắc Kỳ nhưng ca từ lại lẫn lộn An Nam thời đó với cả Thượng Hải, Mãn Châu, rồi sông Hoàng Hà…

Cũng là một ca thú vị của âm nhạc, kiểu ngồi một chỗ ở bên Tây rồi kể chuyện bên Đông, chắc luôn là tác giả chưa bao giờ đặt chân đến xứ mình.

Nhưng không sao cả. Tôi thích, vì clip phần lớn là hình ảnh đầu máy hơi nước và tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại một thời nối từ Tháp Chàm lên Đà Lạt do người Pháp xây dựng từ năm 1908 nay đã bị khai tử và bán sắt vụn. Còn lại 7 đầu máy hơi nước do Thụy Sĩ sản xuất cùng một số toa tàu cũng được Cục Đường sắt Việt Nam bán lại cho công ty DFB của Thụy Sĩ với giá 650 ngàn đôla Mỹ vào năm 1990.

Tiếng “hít”, làm tôi nhớ năm nào đó trong khu tập thể hỏa xa do người Pháp xây dựng ở đường Quang Trung của thành phố Đà Lạt, cụ Nguyễn Văn Liễn - người lái tàu cuối cùng của tuyến đường sắt này bảo “Đến giờ trong đầu tôi vẫn còn nguyên những âm thanh rung lắc của kim khí va chạm khi chúng (thống bánh răng của đầu máy và răng cưa giữa hai đường ray) ngoạm lấy nhau, chẳng khác mấy cảnh trai gái yêu nhau khi đến cao trào...”.

Nhưng chúng ta chẳng còn lại gì ngoài bài hát “Sự trở lại của cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” ca từ lẫn lộn địa lý và những hồi ức ngẩn ngơ về những đoàn tàu chạy bằng hơi nước xình xịch, phì phò băng qua cánh rừng thông cùng những đụn khói phảng phất mùi than đá, tiếng còi “hít” chói tai, những cung đường hoang phế và cụ nay đã gần trăm tuổi không biết còn hay mất…

Thì cũng là mây trời thế thôi. Là nói chuyện ông Georges Villard nào đấy ngồi một chỗ bên Tây rồi lẫn lộn chuyện bên Đông. Và tôi thì ngồi đây luyến tiếc về tiếng còi “hít” và những đụn khói trên phim…

HOÀNG VĂN MINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/chi-la-may-troi-632660.ldo