Chỉ là do cách nhìn

Hầu như ai mới đến Bỉ mà muốn học tiếng cũng biết câu chuyện vui được biên soạn thẳng vào sách giáo khoa dạy ngôn ngữ: Khi học đến từ Het probleem, the problem, le problème - tiếng Hà Lan, tiếng Anh và Pháp có nghĩa là 'vấn đề', một học viên người Swahili thốt lên: 'Nhưng trong ngôn ngữ của dân tộc tôi không tồn tại từ này. Chúng tôi không có vấn đề nào cả!'.

Tại sao người Swahili, dân số chỉ khoảng nửa triệu, sống vùng Đại Hồ châu Phi, nói thứ ngôn ngữ có nguồn gốc lịch sử của lục địa này, lại không bao giờ nghĩ tới rắc rối trong khi thế giới cứ tất tả lo toan biết bao vấn đề tồn tại ở châu Phi?

Câu trả lời nằm ở cách nhìn nhận và giải quyết mọi việc. Ví như vừa đến Barcelona, tôi hít ngay phải bầu không khí đặc quánh do quá đông khách du lịch. Khi nhìn xuyên qua dây phơi quần áo trên cửa sổ những căn nhà sơn màu rực rỡ trên đảo Murano (Venice), tôi tự hỏi người địa phương có mệt mỏi vì cuộc sống thường nhật cứ bị nhòm ngó thế này không. Nhưng người Barcelona không nghĩ đó là vấn đề. Hoặc nhìn nhận rắc rối ấy theo cách khác và đã tìm cách giải quyết hợp lý. Không ít biển quảng cáo trên các trục đường quan trọng, cụ thể bảng quảng cáo ngay trước các khách sạn lớn không dành để tuyên truyền cho ngân hàng, nước hoa, thời trang hay ô tô, xe máy. Sáng nào thức dậy, mở cửa bước ra hăm hở khám phá Barcelona, bạn cũng nhìn thấy ngay tấm áp phích có hình một nhóm khách du lịch giơ cao cây gậy selfie lòe chớp đèn flash, lỉnh kỉnh máy ảnh, va li, túi xách, điện thoại di động... Dòng chữ đỏ in đậm phía dưới như lời nhắc nhở: Your holidays, our everydays. Enjoy & respect (tạm hiểu: Ngày nghỉ của bạn, ngày thường của tôi. Chúc vui và hãy tôn trọng cuộc sống địa phương). Barcelona không tốn nhiều chi phí cho nhân công, hoặc có thể nhận ra không nhất thiết phải đặt nhiều điểm chỉ dẫn thông tin di động như ở Rome (Italy) hay Edinburgh (Scotland). Chỉ vài hôm trước thôi, phía sau vương cung thánh đường Sagrada Familia, tôi nấn ná ngắm một nhóm khách mướt mát mồ hôi, mừng rỡ kéo áo một nhân viên quét dọn vệ sinh để hỏi thông tin. Anh này đeo kính, mặc quần áo phản quang trông thư sinh lắm. Tay cầm cây chổi nhựa, tay kia cầm cái giỏ nhựa đen, anh vừa thoăn thoắt nhặt rác, vừa nhiệt tình chỉ dẫn khách khi cần.

Hay như ở Edinburgh một sáng hè, trời bỗng trở lạnh và ướt át. Tôi xếp hàng chờ một phụ nữ trung niên dáng gầy mảnh gọi tên khách lên xe buýt tham quan vùng cao nguyên Scotland. Đường lên cao nguyên khá vòng vèo, đi và về khoảng 700km. Vì thế nên tôi đã rất bất ngờ khi cũng chính người phụ nữ kia vừa xoay tay lái vừa thuyết minh qua chiếc micro gắn vào ngực áo. Dọc chuyến đi từ bảy giờ sáng đến tám giờ tối, vẫn là cô tài xế - hướng dẫn viên mảnh khảnh sửa cánh cửa nhà vệ sinh trên xe bị kẹt, sửa máy game cho trẻ con... Trời đổ mưa nặng hơn, trời mù mịt. Khoảng năm mươi con người trên xe với biết bao nhu cầu, lúc biến vào các con phố tấp nập, lúc lên tàu tham quan dọc hồ Loch Ness, khi lại mất hút trong cửa hàng lưu niệm, quán ăn. Một mình Lis - tài xế kiêm hướng dẫn viên quản lý được hết, gom về được hết, bằng thái độ vừa nhẹ nhàng vừa quyết liệt. Hành trình cứ thế thông suốt. Nhóm khách châu Á bắt đầu nhao nhao xin chụp ảnh kỷ niệm cùng tài xế. Cuối ngày thân thiết như một gia đình. Còn tôi, dường như đã hiểu hơn ý của người Swahili: có vấn đề hay không là do cách nhìn nhận!

PHƯƠNG HẠNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chi-la-do-cach-nhin-558408.html