Chỉ khoảng 27% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 26 nước còn thiếu hụt iốt. Vì vậy, các ban ngành cần biện pháp can thiệp ở cộng đồng để đảm bảo người dân Việt không bị thiếu hụt vi chất.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia xảy ra tình trạng thiếu iốt trong nhóm ưu tiên như phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh sản, trẻ trong độ tuổi đi học. Thống kê cho thấy, mới chỉ có 27% muối ăn sử dụng trong các hộ gia đình tại Việt Nam có sử dụng iốt theo khuyến cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có sự ngập ngừng nhất định trong việc cho iốt vào muối, bánh mì.
Tiến sỹ Roland Kupka - Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết như vậy tại Hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội.
Ông Roland Kupka phân tích tình trạng thiếu iốt, sắt, kẽm… ảnh hưởng nhiều đến trẻ em, bà mẹ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Bởi iốt là nguyên nhân đáng kể gây suy giảm trí tuệ ở trẻ, nó cũng liên quan đến các nguy cơ sức khỏe khác như thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt khiến thai nhi phát triển kém, thiếu kẽm sẽ gây suy yếu sự phát triển và tăng tỷ lệ mắc, nguy cơ mắc tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp tính và tử vong ở trẻ em.
Đại diện Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đang thực hiện tại 10 nước ASEAN. Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác đã thể hiện cam kết tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc trên diện rộng vào thực phẩm.
“Tại Việt Nam, cần sử dụng toàn bộ công cụ để bổ sung thiếu hụt này bằng việc tăng cường vi chất dinh dưỡng trên diện rộng và quy mô lớn. Chúng tôi khuyến nghị bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào dầu ăn, bột mì và muối để giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất hiện đang phổ biến ở Việt Nam,” Tiến sỹ Loland Kupka nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thực tế, lượng vi chất iốt, kẽm, sắt, vitamin A vẫn thiếu hụt trong cộng đồng. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 26 nước còn thiếu hụt iốt. Vì vậy, các ban ngành cần biện pháp can thiệp ở cộng đồng để đảm bảo người dân Việt không bị thiếu hụt vi chất. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nghị định 09 để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Bởi sau 7 năm thực hiện nghị định 09, kết quả điều tra dinh dưỡng cho thấy tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng vẫn còn cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, theo đề nghị của một số doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ ban hành nghị quyết 19 theo hướng khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung vi chất này vào các sản phẩm.
“Thiếu vi chất dinh dưỡng diễn ra một cách từ từ, âm thầm, dần dần mới biểu hiện ra ngoài. Vì thế, đây còn được gọi là “nạn đói” tiềm ẩn, là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vi chất cho sự phát triển của con người. Qua đánh giá, việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể khắc phục hiệu quả theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế để tăng cường iốt, sắt, kẽm, và vitamin khác,” Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về tình hình sử dụng vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam, Phó giáo sư Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết sau 7 năm thi hành Nghị định 09, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt trong cộng đồng đạt chuẩn đã giảm. Trong đó, tỷ lệ trẻ em trên cả nước sử dụng iốt mức nguy cơ ở cận dưới khuyến cáo của WHO, đặc biệt rất thấp ở trẻ em miền núi (không đạt theo khuyến cáo). Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sắt, kẽm, vitamin A huyết thanh còn xảy ra trong cộng đồng, đặc biệt là thiếu các vi chất này ở phụ nữ và trẻ em, đối tượng nhạy cảm và cần được bổ sung nhiều nhất.
Vì vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo mạnh mẽ tình trạng thiếu iốt có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cần tiếp tục thực hiện biện pháp tăng cường iốt vào muối để ăn trực tiếp và trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A vào dầu ăn để đảm bảo phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng. Đây là biện pháp hiệu quả và bền vững.
Tại Quyết định 53/2024/QĐ-CP ngày 15/1/2024, Chính phủ giao cho Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 09. Đến nay, hồ sơ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 cơ bản đã hoàn thành, đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp, phân tích trên cơ sở khoa học được các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế nêu trong hội thảo để có cơ sở minh chứng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và minh chứng để trao đổi với doanh nghiệp, đồng thời sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trình Chính phủ./.