Chí khí chiến đấu của liệt sỹ Trần Thị Hường trong ký ức người em dâu

90 năm trôi qua nhưng tiếng trống Xô viết như vẫn còn vọng về đầy hào hùng trong những bước đi của thế hệ trẻ. Trong bồi hồi tưởng nhớ những hy sinh của thế hệ cha ông, tôi tìm đến nhà người thân của liệt sỹ Trần Thị Hường ở tổ dân phố 4, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh).

Di ảnh liệt sỹ Trần Thị Hường được bà Bùi Thị Hương cất giữ cẩn thận.

Nếu không có sự chỉ dẫn của chị đồng nghiệp, tôi sẽ không bao giờ biết, liệt sỹ Xô viết Trần Thị Hường có một người em dâu hiện đang sinh sống trên con đường mang tên nữ liệt sỹ kiên trung ấy. Bà là Bùi Thị Hương, sinh năm 1923.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, sức khỏe của bà Hương không còn tốt nữa nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Khi tôi bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thông tin về nữ liệt sỹ Trần Thị Hường, bà Hương rất nhiệt tình.

Bà mở tủ, giở chiếc phong bì bằng giấy nâu cất giữ các giấy tờ quan trọng, đưa cho tôi xem di ảnh của nữ liệt sỹ Trần Thị Hường. Bức ảnh chụp lúc chị Hường còn để tóc ngắn, năm ấy chừng mới 15, 16 tuổi.

Bà mân mê bức ảnh và nói: “Khi tôi về làm dâu thì chị đã hy sinh nhưng qua câu chuyện mẹ chồng tôi kể, tôi vẫn luôn cảm thấy chị rất gần gũi”.

Theo lời kể của bà Bùi Thị Hương, chị Trần Thị Hường sinh năm 1911, là con gái đầu lòng trong gia đình có 6 người con của ông Trần Thượng Chất và bà Nguyễn Thị Tám. Chị từng theo học Trường Tiểu học Pháp Việt tại TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Năm 17 tuổi, chị xin gia đình vào Huế để học nhưng thực chất là ra Nghệ An, gia nhập tổ chức cách mạng và bí mật hoạt động.

Thực dân Pháp biết được thông tin, thường xuyên đến nhà lùng sục, tìm kiếm và đập phá đồ đạc. Lúc bấy giờ, gia đình mới biết là chị không hề đi học ở Huế. Mẹ Nguyễn Thị Tám đã lặn lội ra Nghệ An, dò tìm tung tích của chị. Cuối cùng, cũng gặp được người trong tổ chức của con gái và được họ sắp xếp cho mẹ con gặp nhau. Đến 24h đêm hôm ấy, mẹ Tám mới gặp được con mình và yêu cầu con về nhà nhưng chị Hường nói: “Mẹ cứ về trước rồi con về chứ con không đi cùng mẹ được”.

Dẫu đã 97 tuổi nhưng bà Bùi Thị Hương vẫn rất minh mẫn, luôn nhớ rõ từng chi tiết chuyện của liệt sỹ Trần Thị Hường.

Một thời gian sau, chị Hường trở về Hà Tĩnh, trong người mang theo rất nhiều tài liệu bí mật nhưng đến cầu Già thì bị giặc Pháp phát hiện, vây bắt. Trước tình thế nguy hiểm, chị đã quyết định nhảy cầu để thủ tiêu tài liệu nhưng do tóc dài nên bị giặc túm tóc lôi lại.

Giặc đã trói chị, đánh đập từ cầu Già về đến TX Hà Tĩnh. Tại TX Hà Tĩnh, giặc Pháp đã giải chị đi khắp 8 tuyến phố trong tình trạng không mảnh vải che thân để bêu riếu nhằm uy hiếp những người làm cách mạng.

Sau đó, chúng giam chị tại Nhà lao Hà Tĩnh, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chị Trần Thị Hường đã nhất quyết không khai. Chúng thậm chí còn đến nhà dụ dỗ mẹ Tám khuyên bảo chị. Tuy nhiên, chị Trần Thị Hường vẫn giữ vững chí khí. Cuối cùng, chị đã hy sinh tại Nhà lao Hà Tĩnh vào ngày 2/8/1930 khi vừa tròn 19 tuổi. Năm 1945, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ.

“Đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được gương mặt đau khổ của mẹ chồng tôi mỗi lần nhắc lại chuyện ấy. Và cả tôi nữa, dù chưa một lần gặp chị nhưng trong lòng tôi, chị như là người chị gái thân thương. Câu chuyện của chị luôn bóp nghẹt trái tim tôi. Mặc dù sự hy sinh của chị có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp tại Hà Tĩnh, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo, dù tên tuổi chị đã đi vào sử sách đầy tự hào nhưng với mẹ, với chúng tôi, đó là một nỗi đau, một sự mất mát quá lớn” - bà Hương ngậm ngùi chia sẻ.

Bà Bùi Thị Hương kể lại cho phóng viên ký ức về liệt sỹ Trần Thị Hường.

Câu chuyện về sự hy sinh của chị Trần Thị Hường cũng trở thành bài học về lòng yêu nước kiên trung cho chính những thành viên trong gia đình. Vì thế, cả 4 người em trai của chị Trần Thị Hường đều một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tham gia quân đội và chiến đấu dũng cảm trên các chiến trường chống Mỹ cứu nước. Các thế hệ con cháu trong gia đình luôn ghi nhớ và tự hào về sự hy sinh anh dũng ấy, lấy đó làm động lực để nỗ lực, phấn đấu, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ngày nay, trên con phố nhỏ Trần Thị Hường vẫn có rất nhiều người thường kể cho con cháu nghe về câu chuyện hy sinh anh dũng của người con gái kiên trung. Việc con phố này được mang tên người liệt nữ cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Có lẽ, đó là lý do để người dân trong phố luôn nêu cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào chung của phường, của thành phố, xây dựng tuyến phố Trần Thị Hường là tuyến phố văn minh đô thị.

Trong con phố nhỏ, những người cùng thời với liệt sỹ Trần Thị Hường đều đã lần lượt yên nghỉ nhưng những câu chuyện về sự hy sinh của chị vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để mỗi năm, đến ngày 12/9, nhiều người lại rưng rưng nhớ, rưng rưng niềm tự hào…

anh hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/chi-khi-chien-dau-cua-liet-sy-tran-thi-huong-trong-ky-uc-nguoi-em-dau/198410.htm