'Chỉ huy trưởng' Tổ đánh bắt Sông Đà

Những thăng trầm của cuộc đời ông đều gắn với biển cả. Nghề biển đã theo ông hơn 50 năm qua. Ở tuổi xế chiều, không còn cưỡi sóng, đạp gió ra khơi nhưng ngày ngày ngồi nhà, ông vẫn dõi theo tọa độ ngư trường qua bản đồ và chỉ huy những con tàu trong tổ đánh bắt Sông Đà của mình đánh bắt giữa biển khơi. Ông là Trần Kim Hoa, ở khu phố Trần Hưng Đạo, phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Lão ngư Trần Kim Hoa tự hào về đội tàu đánh bắt Sông Đà với những chuyến biển ăn nên, làm ra. Ảnh: Phương Oanh

“Tác chiến” từ bờ

Cảng cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên), khu vực mua bán cá ngừ đại dương lớn nhất của tỉnh Phú Yên, bước vào thời điểm mở biển năm nay không còn cảnh tàu thuyền tấp nập cập bờ tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho chuyến ra khơi, bởi cửa biển bị bồi lấp quá nặng.

Theo lời hẹn, tôi đến nhà lão ngư Trần Kim Hoa để trò chuyện thì biết ông đang ngồi trên tầng lầu 3 của một ngôi nhà trước mặt cảng cá, để quan sát, chỉ huy những con tàu vượt sông Đà Rằng ra biển, tránh được những bẫy cát tại cửa biển.

Từ trong bến đậu, con tàu PY 96039 của ngư dân Nguyễn Văn Hiệp, chiếc tàu cuối cùng trong nhóm tàu rời sông Đà Rằng hôm ấy, bắt đầu nổ máy, cùng lúc tiếng máy đàm thoại mở to, nghe rõ hướng dẫn của lão ngư Trần Kim Hoa. Tàu cẩn thận chạy vòng theo những luồng lạch, vượt sóng, nhích dần qua khỏi cửa và ra biển. Sau giây phút nín thở, những người ngồi trên bờ cảng dõi theo mới thở phào như trút được gánh nặng âu lo, thấp thỏm.

Đó là một trong vô vàn những cuộc “tác chiến” thầm lặng của lão ngư Trần Kim Hoa mà những ai không ở trong nghề khó có thể hiểu hết. "Cả một đời bám biển, ông thông thuộc từng con nước, dòng chảy, mực thủy triều lên xuống, rành tất cả các luồng lạch. Không chỉ ở Phú Yên này mà các bến cảng, vùng biển dọc theo chiều dài đất nước đến các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hễ anh em chúng tôi có khó khăn gì, gọi về nhờ chú hướng dẫn là tháo gỡ được ngay” - Ngư dân trẻ Nguyễn Tiến Phương, ở phường 6, thành phố Tuy Hòa bộc bạch với sự nể phục.

Trung úy Nguyên Văn Thiện, Trạm phó Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết, hơn 20 năm trước, từ thời nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mới khởi phát, ngư dân làm ăn riêng lẻ, đơn độc nên đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra khi thiên tai, hoạn nạn bất ngờ giữa biển. Chính ông Hoa đã lên tiếng kêu gọi bà con trong làng kết nối nhau cùng làm biển, tuy vậy, nhiều người vẫn còn tư tưởng cá nhân, muốn giấu riêng mình tọa độ ngư trường để khai thác.

Thấy không dễ thuyết phục mọi người đồng lòng, ông và một số lão ngư trong làng đến gặp gỡ Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Tuy Hòa để thổ lộ tâm tư. Khi Đồn Biên phòng Tuy Hòa đứng ra vận động thành lập tổ tàu thuyền an toàn, đích thân ông nhận lời giúp đỡ, làm cố vấn cho anh em các tổ làm ăn. “Nhờ cuộc vân động này, bà con đã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trên biển. Nhiều năm qua, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn do thiên tai, sự cố hỏng hóc tàu thuyền, nhưng bà con kịp thời cứu nhau, không để xảy ra thiệt hại về người” - Trung úy Thiện nói.

Chủ tịch UBND phường 6, thành phố Tuy Hòa Phạm Minh Thảo cho biết: Sau khi có Nghị định 67 của Chính phủ về Chính sách phát triển thủy sản, UBND phường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tuy Hòa thành lập Tổ đánh bắt Sông Đà với 20 phương tiện cùng hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương do ông Hoa làm tổ trưởng. “Để giúp các thành viên trong tổ làm ăn, ông đặt một máy đàm thoại tầm xa tại nhà, như một đài canh trạm bờ. Hàng ngày, ông mở đài, liên lạc để nắm bắt từng phương tiện trong tổ đang nằm ở tọa độ nào, tình hình ngư trường tại đó ra sao.

Đồng thời, ông nghe thông tin dự báo thời tiết, dự báo nghề cá, kết hợp với kinh nghiệm mùa màng qua một thời đi biển để gọi ra biển chỉ hướng cho các tàu đi đánh bắt. Những năm qua, nghề biển nhiều lúc thăng trầm, song những con tàu trong tổ đánh bắt Sông Đà của ông Hoa vẫn vươn khơi bám biển vững vàng. Một năm cả tổ đánh bắt từ 8 đến 9 chuyến biển. Tổ đánh bắt Sông Đà được xem là một trong những hình mẫu cho mô hình vận động ngư dân đoàn kết phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo” - Ông Thảo khẳng định.

Phát kiến nghề đánh bắt cá ngừ

Kể về những chuyến ra khơi của mình, ông Hoa cho biết, giữa biển mênh mông, trang thiết bị duy nhất giúp ông định hướng đi cho tàu là chiếc địa bàn mà người đi rừng thường dùng cùng chiếc radio vừa cũ lại nhỏ.

Từ bến, ông giơ chiếc địa bàn lên và chạy thẳng theo hướng Đông. Vừa chạy vừa mở radio bắt sóng Đài Phát thanh Phú Yên, đến khi nghe sóng thật yếu mới buông câu. Tiếp đến, lại nhìn địa bàn để xác định hướng Bắc rồi vừa chạy, vừa đánh bắt dọc ra phía Bắc đồng thời mở Đài Bình Định. Chạy mãi cho đến khi nghe sóng Đài Phát thanh Bình Định yếu, biết là đã ra xa khỏi vùng biển Bình Định, tức đến lúc phải quay vào phía Nam. Tương tự, chạy vào Nam, ông cùng các ngư dân cứ thả câu đánh bắt đến lúc nghe sóng Đài Phát thanh Khánh Hòa yếu thì quay về.

Trong những cuộc họp Tổ đánh bắt Sông Đà, lão ngư Hoa thường căn dặn anh em ngư dân phải đoàn kết, hỗ trợ nhau làm ăn. Ảnh: Phương Oanh

Với ông Hoa, công đoạn khó khăn, nguy hiểm nhất trong nghề câu cá mập của ông lúc bấy giờ là gỡ lưỡi câu. Con cá mập nặng cả trăm kg, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể bị những chiếc răng sắc nhọn của nó ngoạm đứt tay, đứt chân. “Trên tàu lúc nào cũng có sẵn khúc gỗ to, anh em lựa thế nhét vào miệng cá, chống cho hai hàm răng nó không ngoạm lại được. Lúc đó, tui mới thọc tay sâu vào bụng cá để gỡ lưỡi câu” - Ông Hoa kể.

Những năm trong thập niên 1990, trong nhiều lần ra khơi, ông bắt gặp một số tàu nước ngoài cũng đến câu gần khu vực mình đánh bắt. Luôn băn khoăn không biết họ đánh bắt loại cá gì, ông bí mật tìm hiểu, rồi nghiên cứu làm giống như lưỡi câu và thẻo câu của tàu lạ, mắc thử vào giàn câu của mình. Chuyến biển ấy, tàu ông bội thu cá mập và ngay chỗ mắc lưỡi câu kiểu của nước ngoài lại dính một con cá ngừ đại dương. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Bình Định nghe tin đã tìm đến Tuy Hòa để thu mua cá ngừ đại dương. “Cũng sau chuyến biển ấy, tôi tìm cách đặt mua lưỡi và thẻo câu bằng cước bên Đài Loan để câu cá. Lúc đó là đầu năm 1994. Vậy là nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên bắt đầu ra đời” – Ông Hoa sôi nổi kể.

Nhờ can trường bám biển làm ăn nên ông Hoa và đồng đội của mình thường câu được những con cá ngừ đại dương thật lớn, đáng giá cả lượng vàng. Cũng với những chuyến ra khơi trở về với khoang thuyền vài ba tấn cá ngừ đại dương, cuộc sống gia đình ông và bạn thuyền dần khấm khá. Ông dựng lại nhà cửa khang trang rồi sắm tàu công suất lớn, bắt đầu công cuộc vươn khơi bám biển, đánh bắt và làm giàu từ nghề câu cá ngừ đại dương.

Vừa làm ăn, những ngư dân nhóm đánh bắt của ông vừa đem nghề học được truyền dạy cho bà con trong làng. Những người con, cháu của ông và thanh niên trai tráng mới lớn lên cũng theo ông và nhóm bạn thuyền xuống tàu ra biển vừa học nghề, vừa làm lụng tích lũy vốn cho đến khi trưởng thành tự sắm tàu thuyền, ngư cụ để mưu sinh. Cũng từ đây, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở làng biển Phú Câu đã đem đến một cuộc sống no đủ cũng như sự khởi sắc cho ngư dân làng chài này.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chi-huy-truong-to-danh-bat-song-da/