Chi hàng triệu đồng để... đốt vàng mã

Những ngày đầu năm, người dân địa phương và du khách thập phương về Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) du Xuân và làm lễ cầu bình an cho năm mới.

Sau Tết, người dân tấp nập đi lễ Đền ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) để giải hạn, cầu bình an và may mắn trong cuộc sống.

Sau Tết, người dân tấp nập đi lễ Đền ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) để giải hạn, cầu bình an và may mắn trong cuộc sống.

Ngoài thắp hương làm lễ, người dân còn mua “ông ngựa” giấy đốt. Các con ngựa giấy được trang trí cầu kỳ và bắt mắt. Ngựa giấy ở đây có nhiều kích thước từ 1-2m và có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/con.

Không chỉ mua “ông ngựa”, nhiều người còn trả từ 400.000 - 500.000 đồng một bộ sớ và hình nhân để mang vào đền giải hạn. Tùy vào tín chủ muốn cầu may, cần an, cầu duyên, giải hạn để sắm lễ nhiều hay ít, giá mỗi mâm lễ từ 500.000 đồng cho đến vài triệu đồng. Bởi vậy, dịch vụ làm ngựa giấy hóa vàng đắt khách dịp này.

Không ít gia đình tiêu tốn từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mua sắm đồ lễ hóa vàng. Nhiều dịch vụ như sắp lễ thuê, đồ lưu niệm, viết sớ… cũng nở rộ trước khu vực cổng đền.

Chị Đoàn Thị Dung (38 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ) cùng gia đình xuất phát từ đêm 10/2 để sáng nay kịp giờ làm lễ ở Đền ông Hoàng Mười. “Năm nào cũng vậy, dịp đầu năm mới, gia đình tôi đều vào Nghệ An làm lễ ở ngôi đền linh thiêng này, cầu mong cho gia đình một năm bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong năm mới", chị Dung nói. Trong ảnh: Người dân chia nhau tiền vàng trên mâm lễ để cầu mong một năm mới sung túc, bình an.

Theo đại diện Ban quản lý đền ông Hoàng Mười, trung bình mỗi ngày người dân đốt hơn 50 bộ “ông ngựa” giấy. Trong ảnh: Các “ông ngựa” được đặt ngoài điện thờ trong lúc người dân vào bên trong làm lễ.

Theo tín ngưỡng từ trước truyền lại đến nay, Đức Quan Hoàng Mười là tướng trận giỏi, do vậy người dân hóa ngựa để ông cùng quân lính củng cố binh lực, đánh giặc ngoại xâm. Trong ảnh: Sau khi làm lễ, người dân mang “ông ngựa” đến khu vực lò thiêu để hóa.

Còn phần hoa trên mâm lễ bị vứt vào thùng rác rất lãng phí.

Cũng theo đại diện Ban quản lý đền ông Hoàng Mười, dù ban quản lý khuyến cáo người đi lễ không nên đốt ngựa giấy vì nó có thể ảnh hưởng đến môi trường, song phụ thuộc vào tín ngưỡng và nhu cầu của người dân nên việc cấm hẳn thì rất khó.

Nam Phúc

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/chi-hang-trieu-dong-de-dot-vang-ma-233526.html