Chỉ gần 30% trẻ em biết bơi hoặc biết kỹ năng phòng chống đuối nước

Cả nước có khoảng 15.000.000 trẻ em lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trong đó, dưới 30% trẻ em biết bơi hoặc biết kỹ năng phòng chống đuối nước.

Chiều 13/11, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức Tọa đàm phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước với chủ đề: “Làm sao để trẻ biết bơi?”.

Tọa đàm phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước với chủ đề: “Làm sao để trẻ biết bơi?”

Tọa đàm phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước với chủ đề: “Làm sao để trẻ biết bơi?”

Hiện nay, do đặc điểm địa hình, địa lý nên hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước. Thực tế cho thấy, cả nước có khoảng 15.000.000 trẻ em lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trong đó, dưới 30% trẻ em biết bơi hoặc biết kỹ năng phòng chống đuối nước.

Những năm qua, mặc dù công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực nhưng tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị đuối nước còn nhiều và vẫn ở ngưỡng cao.

Đơn cử, mùa hè 2020, nhiều vụ tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra như: Ngày 10/5, 2 trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Cũng trong tháng 5, xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong tại Nghệ An. Tiếp đó, ngày 21/5, tại khu vực bãi tắm Tuần Châu cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm dẫn đến tử vong… Tai nạn đuối nước ở trẻ em trở thành nỗi ám ảnh, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy.

Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh các em không an toàn, các sông, suối, ao, hồ, giếng nước, các hố đào sâu của công trình xây dựng, các khu nuôi trồng nông nghiệp, cà phê, tiêu… không có rào chắn, che đậy.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Cùng với đó, tình hình mưa lũ ở nhiều vùng diễn biến phức tạp, bất thường và kéo dài khiến cho nhiều trẻ em và người dân không kịp ứng phó; học sinh, trẻ em nhiều nơi đi học phải di chuyển trên sông nước nhưng thiếu phương tiện giao thông đường thủy an toàn; việc dạy bơi cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu bể bơi, thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, đặc biệt tại các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi.

Hiện, cả nước có khoảng 2.500.000 trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, 894 xã đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ tạo điều kiện cho việc học bơi, học kỹ năng an toàn cho trẻ em; hơn 70% trẻ em lứa tuổi mầm non chưa đến nhà trẻ tiềm ẩn nguy cơ có thể bị đuối nước bất cứ lúc nào nếu không có người lớn giám sát, trông giữ...

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho hay, mặc dù đã có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội và nhiều tổ chức liên quan, công tác phòng chống đuối nước tại Việt Nam vẫn còn những thách thức không nhỏ. Đó là nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Tại các cơ sở giáo dục hay các địa phương thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Kỹ năng của các em trong phòng ngừa, bảo vệ mình với các nguy cơ, trong đó có nguy cơ tai nạn đuối nước còn thấp, trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước hiện có trên 5.000 bể bơi các loại, trong đó số bể bơi được đầu tư xây lắp tại các trường học tiểu học chỉ có 675 bể bơi/14.232 trường, chiếm tỷ lệ 0,047 bể bơi/trường học.

Trước thực trạng trên, trong giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Van hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên tất cả các trường Tiểu học, THCS; đồng thời, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi, hướng dẫn các trường học liên kết với các trung tâm thể dục, thể thao, các bể bơi trên địa bàn để liên kết tổ chức dạy cho trẻ em, học sinh về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn.

Có thể nói, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm ban hành chủ trương, chính sách và các quy định pháp luật đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành những quy định, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các trường học tổ chức dịch vụ dạy bơi cho trẻ em cũng như tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về huy động nguồn lực cho công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chi-gan-30-tre-em-biet-boi-hoac-biet-ky-nang-phong-chong-duoi-nuoc-817366.vov