Chị em tự quản đường biên

Chúng tôi có mặt tại cột mốc biên giới số 246-1 được xây dựng ngay sát khu vực chợ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nơi đây, bất kể nắng hay mưa, hằng ngày vẫn có những người mẹ, người chị trong tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc lặng thầm quét dọn, lau chùi, bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Nằm gần chợ Long Bình, khuôn viên cột mốc 246-1 được lát đá hoa cương, khang trang, sạch đẹp. Nhờ ý thức và sự tích cực của người dân nói chung, tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ở thị trấn Long Bình nói riêng, nên khu vực xung quanh cột mốc luôn được giữ gìn sạch sẽ. Không chỉ vậy, chị em còn kịp thời phát hiện, tố giác các phần tử xấu có hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc, gây mất trật tự an toàn xã hội. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trương Thị Liêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Long Bình, cho biết: “Năm 2014, tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc được thành lập với nhiệm vụ phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình tuần tra, bảo vệ biên giới; ngăn chặn các tệ nạn xã hội, mua bán người, buôn lậu qua biên giới...”.

Tổ phụ nữ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc An Giang cùng lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Chiến Khu.

Không chỉ ở Long Bình, 4 năm trở lại đây, phần lớn các xã biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đều có tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang), đa phần chị em hoạt động trong tổ đều là người Khmer có đất canh tác sát khu vực biên giới nên việc tham gia mô hình mang lại tác dụng rất tích cực. Chị em người Khmer là nhân tố tích cực góp phần tuyên truyền, giải thích cho người dân nước bạn về chủ quyền của Việt Nam tại các tuyến biên giới. Thông qua tuyên truyền, chị em giúp người dân nước bạn nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lôi kéo, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng tập huấn cho chị em phụ nữ trong tổ bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Chiến Khu.

Điều đáng quý của các chị em trong tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc chính là tinh thần tích cực, nhiệt tình, không ngại khó khăn. Khi BĐBP yêu cầu các chị phối hợp tuần tra bảo vệ cột mốc thì các thành viên trong tổ đều nhiệt tình hưởng ứng. Bất kể nắng, mưa, các chị vẫn thực hiện tuần tra cùng BĐBP. Chị Nguyễn Thị Thúy An, thành viên tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp biên giới của huyện Tịnh Biên, chia sẻ: “Có thường xuyên tham gia tuần tra đường biên, cột mốc, chúng tôi mới hiểu hết những vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng”.

Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình "Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp biên giới" trên địa bàn tỉnh An Giang, Trung tá Lê Hoàng Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang cho rằng, phụ nữ nói riêng và các tổ chức chính trị-xã hội nói chung đang thể hiện vai trò ngày một lớn hơn trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Hiện trên 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh An Giang có 27 tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc. Phần lớn các tổ chức này đều hoạt động tích cực, hiệu quả cao, góp phần cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn thôn, ấp.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/chi-em-tu-quan-duong-bien-535839