Chỉ được mua bán ngoại tệ với ngân hàng

Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép bị phạt đến 500 triệu đồng.

Nghị định 95/2011 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng) phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ sai quy định; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng hay kinh doanh, mua, bán vàng sai quy định. Ngoài ra, số ngoại tệ, vàng giao dịch trái phép còn bị tịch thu.

Hiểu sao là giao dịch ngoại tệ, vàng trái phép? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia để làm rõ việc này.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không được dùng làm phương tiện thanh toán

Một số vụ xử phạt đậm gần đây đã làm nhiều người lo lắng không biết nếu đang cất giữ hay mang tặng người khác một số ngoại tệ thì có sao không. Trước hết, cần khẳng định cá nhân được quyền cất giữ, mang theo người, bán, gửi tiết kiệm cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng ngoại tệ tiền mặt cho các mục đích hợp pháp khác. Chẳng hạn, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu được mang theo ngoại tệ tiền mặt là 5.000 USD. Trường hợp mang trên mức quy định này thì phải khai báo hải quan cửa khẩu. Cá nhân được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho các mục đích như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài v.v...

Như vậy, vấn đề cần lưu ý ở đây là việc sử dụng ngoại hối ở trong nước phải được thực hiện theo đúng quy định. Trong đó, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo ở Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép (Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005). Nếu vi phạm như chuyển, mang ngoại tệ không thông qua tổ chức tín dụng được phép; mua, bán ngoại tệ ngoài kênh ngân hàng, thanh toán dịch vụ, hàng hóa bằng ngoại tệ… sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật là số ngoại tệ theo Nghị định 95/2011.

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Ảnh: HTD

Riêng hành vi niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép bị phạt tiền từ 300 đến 500 triệu đồng theo điểm d khoản 5 Điều 1 Nghị định số 95/2011.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM:

Được phép tặng, cho

Đối với ngoại tệ, việc mua, bán được xác định là trái phép nếu được thực hiện ở những nơi không có giấy phép đổi ngoại tệ. Đối với vàng, được xác định là kinh doanh, mua, bán trái phép nếu rơi vào hai trường hợp: mua bán vàng nhập lậu; mua bán vàng với các tổ chức không có giấy phép. Trường hợp tặng, cho ngoại tệ, vàng thì không bị xem là phạm pháp.

Riêng về việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật, nội dung chi tiết sẽ được làm rõ trong nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Chính phủ xem xét để ban hành trong thời gian tới đây.

Thẩm phánTRƯƠNG CÔNG HUẤN, TAND quận 11, TP.HCM:

Xử hành chính trước, xử dân sự sau

Khi pháp luật cấm dùng ngoại tệ, vàng làm phương tiện thanh toán thì các giao dịch dân sự có nội dung thanh toán bằng ngoại tệ, vàng bị xem là vô hiệu. Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Theo đó, nếu có phát sinh tranh chấp từ việc thỏa thuận thanh toán bằng vàng, ngoại tệ không đúng quy định, các bên sẽ không phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Thay vào đó, khi tiếp nhận các đơn khởi kiện liên quan, tòa án sẽ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xem xét trước việc xử lý hành chính hành vi vi phạm của các bên. Khi cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tang vật theo quy định của Nghị định 95/2011 thì tòa sẽ giải quyết phần tranh chấp về thiệt hại. Dựa trên việc xử phạt hành chính, tòa có căn cứ để đánh giá thiệt hại của giao dịch, sau đó xem xét lỗi để buộc bên có lỗi trong việc gây thiệt hại phải bồi thường.

Không hạn chế số ngoại tệ thu đổi

TP.HCM hiện có 73 đại lý thu đổi ngoại tệ. Các đại lý này tập trung tại khu vực sân bay, bến cảng, trung tâm thương mại, khu vui chơi có nhiều người nước ngoài. Pháp luật hiện hành không có hạn chế nào về số lượng ngoại tệ thu đổi.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Nên treo giấy phép để dân biết

từ năm 2004, Chính phủ đã có Nghị định 202 quy định phạt tiền các hành vi mua, bán, thanh toán, cho vay ngoại tệ với nhau hoặc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ sai phép. Có lẽ vì trước đây các cơ quan thẩm quyền ít phạt các vi phạm này nên gần đây khi họ phạt nặng theo Nghị định 95/2011 thì nhiều người đã giật mình. Để tránh tình trạng người dân vô tình phạm pháp, tôi đề nghị những nơi đổi ngoại tệ hợp pháp nên treo giấy phép trước quầy để mọi người dễ nhận diện và dễ giao dịch.

Bà DƯƠNG THU HƯƠNG, nguyên Phó Thống đốc NHNN

YÊN TRANG - HOÀNG YẾN ghi

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111222100310715p1027c1098/chi-duoc-mua-ban-ngoai-te-voi-ngan-hang.htm