Chỉ dùng tuốc-nơ-vít lắp ráp đơn giản, tivi Asanzo có được tính xuất xứ Việt Nam?

Cơ quan chức năng cho rằng, tivi Asanzo chỉ được lắp ráp đơn giản bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, trong khi 98% trị giá sản phẩm đến từ linh kiện nhập khẩu, khó có thể xem là xuất xứ Việt Nam.

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Tại cuộc họp do Bộ Tài chính- Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức mới đây dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn- Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện Tổng cục Hải quan thông tin, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, xác định các nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các Công ty có tên Asanzo cho thấy, Công ty CP Đầu tư Công nghệ điện tử Asanzo đã mở 3 tờ khai xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản.

Đáng chú ý, trên tờ khai xuất khẩu doanh nghiệp khai báo hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản “Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ:… Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh”.

Căn cứ quy định trên, đối chiếu với thực tế lắp ráp tại cơ sở sản xuất của Công ty cho thấy việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao; việc lắp ráp các bộ phận của sản phẩm thông qua các nhân công lao động thủ công để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị hàm lượng gia tăng không cao.

Mặt khác, theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.

Vì vậy, các cơ quan chức năng xác định mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp nêu trên, bà Trần Thi Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sau khi nhận được thông tin về xuất khẩu hàng, VCCI kiểm tra hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Đến thời điểm này, VCCI thừa nhận chưa tiếp nhận hồ sơ khai báo thương nhân của Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Bởi theo quy định, bao giờ doanh nghiệp cũng phải khai báo hồ sơ thương nhân rồi sau đó mới hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O.

Đặc biệt, sau nhiều lần được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị cho ý kiến cụ thể liên quan đến 661 tivi mang thương hiệu Asanzo đã xuất khẩu nhưng hàm lượng giá trị lên đến 98% từ linh kiện nhập khẩu, chỉ 2% giá trị từ công đoạn lắp ráp trong nước nhưng khi xuất khẩu khai báo xuất xứ Việt Nam có đúng không và có đủ cơ sở xác định dấu hiệu giả mạo xuất xứ hay không? Bà Trần Thị Thu Hương thừa nhận: “Nếu doanh nghiệp gia công chỉ bằng công đoạn dùng tuốc-nơ-vít để xoay xoáy, vặn văn thôi thì rõ ràng không vượt qua công đoạn gia công đơn giản rồi. Không vượt qua giai đoạn gia công đơn giản thì khỏi cần phải đi vào quy tắc tỷ lệ phần trăm và quy tắc chuyển đổi HS”.

Đáng chú ý, đại diện VCCI cũng thừa nhận, sau khi có thông tin vụ việc Asanzo, VCCI đã làm một nhóm công tác làm việc với doanh nghiệp, nhưng cũng chỉ làm việc trên tinh thần “nghe doanh nghiệp giãi bày, chưa có lần nào tiếp xúc với những bộ hồ sơ cụ thể của Công ty”.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chi-dung-tuoc-no-vit-lap-rap-don-gian-tivi-asanzo-co-duoc-tinh-xuat-xu-viet-nam-114297.html