Chỉ dự án Nhóm I mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Chiều 17/11, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với tỷ lệ gần 92%. Nhiều điểm mới cũng được Quốc hội thông qua với đa số đại biểu tán thành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết. Riêng nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, thực hiện sớm hơn và có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Trước đó ít phút, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng thông tin, trước khi trình Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ đã đưa ra xin ý kiến nhiều nội dung khác nhau.

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, Quốc hội đã quyết định phân thành 4 nhóm I, II, III và IV. Dự thảo Luật cũng định danh cụ thể tiêu chí của từng nhóm để làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III.

Về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, dự án luật vừa được thông qua quy định, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo ông Dũng, phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo cơ quan thẩm tra, phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Quy định tại Điều 29 là thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư công.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM được tiếp thu, chỉnh lý theo phương án 2 như ý kiến đa số các ĐBQH giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Nội dung này được thể hiện tại Điều 35 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định rõ, chặt chẽ trong Luật về cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT với cơ quan quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong quá trình thẩm định, quyết định cấp GPMT.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định rõ việc phối hợp này phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thực hiện ĐTM; quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường trong trường hợp dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, thì cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chi-du-an-nhom-i-moi-phai-danh-gia-so-bo-tac-dong-moi-truong-1751192.tpo