Chỉ định thầu, điều chỉnh quy hoạch có phải do lợi ích nhóm?

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay về việc sử dụng đất đai tại đô thị, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi quanh việc chỉ định thầu các dự án, điều chỉnh quy hoạch các dự án có phục vụ lợi ích nhóm, sân trước sân sau hay không?

Doanh nghiệp chi phối quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) chỉ ra hàng loạt những hạn chế trong việc quy hoạch, sử dụng đất. Theo đại biểu, có những khu vực quy hoạch rồi, nhưng do chi phối của doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo tỉnh thành làm cho quy hoạch thay đổi. Điều này gây bức xúc cho nhân dân, đặc biệt làm cho đô thị bị ách tắc, cảnh quan bị phá vỡ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Như Ý

Ông Phương cũng nhận thấy, nhiều cấp ngành, chính quyền địa phương còn lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai, để phát sinh nhiều tiêu cực, sai phạm. Các sai phạm phổ biến nhất trong quản lý đất đai, được đại biểu chi ra là lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, thực hiện dự án không hiệu quả…

Theo ông Phương, tất cả những vấn đề trên làm mất niềm tin của nhân dân, thất thoát tài sản đô thị, đặc biệt là làm cho khiếu nại, tố cáo gia tăng. Không ít trường hợp bị truy tố, xét xử nhưng vẫn còn nhiều xung đột tự phát.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, quá trình triển khai các quy hoạch vẫn cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thế nhưng, nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi, theo tư duy chủ quan hoặc đề xuất của chủ đầu tư.

Việc điều chỉnh cục bộ, chi tiết có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư, nhưng ông Giang nhận thấy việc điều chỉnh trong nhiều trường hợp chưa tương xứng, gây thất thoát nguồn thu của nhà nước. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, việc điều chỉnh còn gây áp lực cho cơ sở hạ tầng đô thị.

Thách thức dư luận

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên được đại biểu đoàn Đắk Nông cho là do chưa có thiết chế đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Để giải quyết những bất cập, hạn chế trên, đại biểu đề nghị quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cần phải công khai từ khâu đề xuất, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Đinh Duy Vượt

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đánh giá chất lượng các quy hoạch không những thấp, mà còn có dấu hiệu chạy theo nhiệm kỳ làm nát quy hoạch ban đầu. Không những thế, nhiều nơi còn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực.

Đại biểu đoàn Gia Lai cho biết, cả nước có 1390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng giảm mật độ cây xanh. Điều này gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập... ở các thành phố lớn.

“Suy cho cùng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất làm nát quy hoạch, dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí thất thu ngân sách, giảm hiêu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống. Cử tri kỳ vọng trụ sở cũ các cơ quan khi di dời được làm công viên vườn hoa, công trình công cộng chứ không phải trở thành những tòa nhà chọc trời của đại gia A, đại gia B trơ trơ thách thức dư luận”, đại biểu Vượt nói.

Lợi ích nhóm, sân trước sân sau

Đại biểu Đinh Duy Vượt kiến nghị thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát nhằm khắc phục thực trạng trên. “Nhiều đại gia ôm đất vàng, đất kim cương tại các TP lớn phản ánh việc thuê đất, cho thuê đất diễn ra phức tạp. Cử tri dấy lên hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau để lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ định nhà đầu tư thay cho cơ chế đấu giá đất”, đại biểu Đinh Duy Vượt nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhận định, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả. Cũng từ tư duy quản lý tùy tiện, thậm chí cố tình của những người được Đảng và nhà nước tin tưởng trao trọng trách quản lý thay vì giữ gìn để biến nó thành nguồn lực phát triển kinh tế thì lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng tư.

Ông Nhân ví dụ, ngay giữa Thủ đô, thay vì quỹ đất sau khi di dời, cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết các cơ sở sau di dời được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng.

“Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời”, ông Nhân nói.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) thì chỉ rõ, việc định giá đất trong quá trình chuyển nhượng mua bán đất đai không rõ ràng, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện là kẽ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước. Trong cùng một địa phương, cùng một thời điểm khi áp dụng các phương pháp khác nhau đã tạo ra sự chênh lệch lớn về giá trị khu đất, điều này đồng nghĩa việc nhà đầu tư sẽ chọn phương pháp tính có lợi cho mình và một nhóm người có cùng lợi ích.

“Đây là kẽ hở trong quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra, báo chí dành nhiều thời lượng để phản ánh thông tin nhưng không ít người trong cuộc vẫn vô can, ngân sách nhà nước vẫn thất thu hàng năm”, ông Diến nói.

Văn Kiên – Luân Dũng – Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chi-dinh-thau-dieu-chinh-quy-hoach-co-phai-do-loi-ich-nhom-1420798.tpo