Chỉ định Sông Đà thầu cao tốc: Chiếc phao hay đá tảng?

Tổng Công ty Sông Đà tuy có kinh nghiệm làm nhiều tuyến đường cao tốc nhưng đang mắc nợ lớn, có 'vết' tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Ngày 6/6/2020, TS Dương Văn Đức - chuyên gia nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ sự lo ngại việc Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà tham gia làm cao tốc Bắc-Nam.

"Về kinh nghiệm thì Tổng Công ty Sông Đà là một trong những doanh nghiệp của Việt Nam tham gia xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc nhưng mối lo lớn nhất là nguồn vốn của doanh nghiệp thực hiện dự án thì đơn vị này đang gặp vấn đề lớn với khoản hơn 11.000 tỷ đồng" - ông Đức bày tỏ.

Một điều khác khiến ông Đức lo ngại là việc Tổng Công ty Sông Đà trước đây từng cùng với doanh nghiệp liên danh trúng thầu tại gói thầu số 4 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuy nhiên sau đó cơ quan chức năng đã phát hiện ra gói thầu này có sai phạm và tiến hành khởi tố, bắt giam Phan Khánh Toàn - nguyên Giám đốc gói thầu số 4 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

"Không rõ sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện gói thầu số 4 như nào nhưng chứng tỏ Tổng Công ty Sông Đà đã có "vết" tại dự án cao tốc mà mình tham gia thực hiện. Điều đó cho thấy có lỗ hổng trong sự quản lý nhân sự, thực hiện dự án của Tổng Công ty Sông Đà trong quá khứ. Đây cũng là điểm đáng lưu ý để tránh "vết xe đổ" ở những dự án tiếp theo do doanh nghiệp này thực hiện" - ông Đức nói.

Tổng Công ty Sông Đà có đủ năng lực làm cao tốc Bắc - Nam.

Tổng Công ty Sông Đà có đủ năng lực làm cao tốc Bắc - Nam.

"Ngay kể cả với những dự án thành phần sử dụng nguồn vốn đầu tư công, không tổ chức đầu thầu công khai mà giao dự án theo phương án chỉ định thầu thì cũng phải xem xét lựa chọn nhiều doanh nghiệp khác nhau, doanh nghiệp nào có đủ năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn được đơn vị tốt nhất. Đảm bảo nguyên tắc nhanh - thời gian thi công, gọn - không hoặc ít sử dụng nhà thầu phụ, nhẹ - giá cả chi phí thấp và đảm bảo chất lượng" - ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, Tổng Công ty Sông Đà có hơn 99% là vốn Nhà nước nên việc đề xuất chỉ định thầu tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ dẫn tới nhiều dị nghị về việc ưu ái cho "con cưng". Tuy nhiên, cũng cần lưu ý doanh nghiệp này hiện đang có 20.000 nhân viên, lại đang trong tình cảnh khó khăn nên cũng cần có giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp để ổn định đời sống của các nhân viên làm việc tại công ty.

Vị chuyên gia này đề xuất, có thể chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc - Nam nhưng cần phải được duyệt trên sự xem xét khách quan, nếu trong một dự án có Tổng Công ty Sông Đà tham gia có doanh nghiệp khác tốt hơn cả về kinh nghiệm lẫn tài chính thì nên lựa chọn nhà thầu đó, còn Tổng Công ty Sông Đà có thể được tham gia với điều kiện là nhà thầu phụ của dự án.

"Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn của đất nước, không thể vì "con cưng" khó khăn mà ra tay cứu giúp mà bỏ qua các quy định của nhà nước về việc lựa chọn nhà thầu mà dẫn tới nguy cơ dự án chậm tiến độ, kém chất lượng. Cũng không thể nghĩ rằng việc chỉ định thầu cho Tổng Công ty Sông Đà tham gia làm dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ cứu được doanh nghiệp này thoát khỏi khó khăn ngay mà phải có từng bước hợp lý" - ông Đức bày tỏ.

Liên quan đến đề xuất chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc - Nam, ngày 6/6/2020, một lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin trênTiền phong, nếu chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam, sẽ giải quyết được cho Tổng Cty Sông Đà trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

"Khi chỉ định thì có điều kiện của chỉ định chứ không phải chỉ định một cái là xong. Chỉ định thầu là cũng là một phương thức thầu và có các điều kiện của nó”, vị lãnh đạo nói.

Theo vị lãnh đạo này, về công nghệ xây dựng, công nghệ làm đường ở Việt Nam, không chỉ Sông Đà mà còn rất nhiều đơn vị khác làm được. Nhưng về mặt kinh tế xã hội, đây là doanh nghiệp có truyền thống nên ủng hộ,

Bộ Xây dựng lý giải, trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là thủy điện, Tổng Công ty Sông Đà huy động số lượng lao động lớn, đầu tư nhiều thiết bị. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, áp lực để duy trì việc làm, đảm bảo đời sống lao động và thiết bị đã đầu tư.

Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty CP xi măng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty CP thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty CP Sông Đà 4 vay 3 triệu USD. Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của tổng công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thông tin thêm, ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, phần của Việt Nam thi công thì không có vấn đề gì.

"Còn gói thầu của nhà thầu Trung Quốc, họ đi thuê lại các thầu phụ Việt Nam. Mấy thầu phụ không có tên tuổi, lại làm bằng bất cứ giá nào nên chất lượng mới như vậy. Còn các doanh nghiệp Việt Nam, các Tổng công ty làm vẫn tốt.

Rất nhiều người lo năng lực của Tổng Công ty Sông Đà nhưng tôi cho rằng không phải lo. Vấn đề có dám tin để giao không. Tại sao không khơi dậy những điều đó. Dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật mình giao. Chưa chắc đấu thầu đã tốt bởi còn "quân xanh, quân đỏ" nữa. Chỉ định thầu cũng là một phương thức thầu”, vị lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Vân Long

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/chi-dinh-song-da-thau-cao-toc-chiec-phao-hay-da-tang-3404360/