Chỉ đạo nổi bật: Xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên

Quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Xử lý nghiêm đối tượng đe dọa PV điều tra vụ bảo kê chợ Long Biên... là một số thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần từ 3-7/12.

Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định này.

Xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên (Hà Nội).

Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã phát phóng sự về tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hóa, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng.

Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao Công an Thành phố chủ trì cùng công an quận Ba Đình khẩn trương điều tra làm rõ sự việc.

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều bài viết về việc tối ngày 2/12/2018, nhóm phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên nhận được tin nhắn qua điện thoại đe dọa giết cả gia đình.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa và có các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ an toàn cho phóng viên, người tố giác tội phạm và những người liên quan.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 từ ngày 1/12/2018 đến ngày 28/2/2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả; đồng thời, giúp các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Cơ cấu lại ngành du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Quy định mới về xét tuyển viên chức

Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 (nội dung xét tuyển viên chức ) và Điều 12 (cách tính điểm) của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thành Điều 11 (nội dung và hình thức xét tuyển viên chức).

Cụ thể, xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng. Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/chi-dao-noi-bat-xu-ly-nghiem-doi-tuong-de-doa-phong-vien-dieu-tra-vu-bao-ke-o-cho-long-bien-3483656.html