Chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu toàn bộ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phải hướng trọng tâm về người dân, để người dân thụ hưởng giá trị sống; phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không dàn trải.
Chiều 14-10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) chủ trì họp Ban Chỉ đạo.
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo tờ trình về rà soát tiến độ, báo cáo các nội dung họp Ban Chỉ đạo.
Ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp TP chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong đó, đã thực hiện 61 chương trình, công trình, dự án cấp thành phố trên 6 nhóm lĩnh vực của 26 cơ quan, đơn vị chủ trì.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có 21 chương trình, công trình, dự án; lĩnh vực kinh tế gồm 6 chương trình, công trình, dự án; lĩnh vực đô thị có 21 chương trình, công trình dự án.
Lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo có 5 công trình, dự án; 5 chương trình, công trình, dự án thuộc lĩnh vực cải cách hành chính có 3 đề án; quốc phòng – an ninh, đối ngoại. Qua đó, thành phố chọn và công nhận 50 công trình tiêu biểu cấp thành phố.
Ngoài ra, các ngành, các địa phương đăng ký 1.972 chương trình, công trình, dự án và thi đua chào mừng dịp đặc biệt này. Từ đây, TP.HCM sẽ chọn và công nhận các công trình cấp cơ sở để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Về công tác đền ơn đáp nghĩa, tính đến nay, 100% phường, xã, thị trấn đều thực hiện tốt công tác chăm sóc gia đình chính sách có công; thường xuyên rà soát, giải quyết kịp thời, đúng thời gian quy định, không để hồ sơ đủ điều kiện mà không được giải quyết.
Tính đến tháng 8-2024, toàn TP có 35.111 lượt người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp hàng tháng...
Trong chương trình nâng cao chất lượng đời sống người có công và thân nhân người có công, hiện TP đã rà soát, sửa chữa, xây mới 140 căn nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
TP cũng phấn đấu hoàn thành và không để người có công và thân nhân người có công khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đến tháng 9-2024, TP đã hoàn thành 252 căn (xây mới 7 căn nhà, sửa chữa 245 căn).
TP.HCM cũng chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ; đã hoàn thành 42/92 công trình cần chỉnh trang.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đã hỗ trợ, sửa chữa, xây dựng 575 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn với tổng số tiền hơn 28,2 tỉ đồng (đạt 115% kế hoạch); trong đó hỗ trợ xây mới 66 căn nhà, sửa chữa 509 căn nhà.
Về các công trình trọng điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã gắn các công trình trọng điểm với kế hoạch đầu tư công và bổ sung các dự án để triển khai.
Các hoạt động phải tiết kiệm, hướng đến người dân
Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo - ông Nguyễn Văn Nên, cho rằng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa là cách để thế hệ sau này bày tỏ lòng biết ơn với bao thế hệ đã ngã xuống, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Vì vậy, việc tổ chức, hành động phải bằng tấm lòng, trách nhiệm, cũng là để tuân thủ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, hiểu lịch sử, trân quý hiện tại và có trách nhiệm với tương lai; chung tay xây dựng bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước cường thịnh.
“Quá trình tổ chức, thực hiện phải đổi mới cho phù hợp với tình hình hiện nay, tạo sự hấp dẫn, sức hút nhất định để mọi người dân cùng tham gia, hưởng ứng, hưởng thụ mọi giá trị. Cùng đó, phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không dàn trải, không làm những việc không mang ý nghĩa” - Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Nhấn mạnh TP.HCM là nơi diễn ra các hoạt động chính của sự kiện này, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải xác định trách nhiệm để tập trung chỉ đạo thực hiện theo ưu tiên các công việc đã đề ra, tương xứng với giá trị, tầm vóc của sự kiện.
“Đây cũng là niềm tin của Trung ương, của cả nước đã tin tưởng, gửi gắm TP.HCM với một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử. Làm sao để quy tụ mọi thành phần, để người dân cả nước cùng hướng về ngày vui chung của dân tộc, thụ hưởng giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực vị thế như ngày hôm nay.
Đó mới là giá trị chân thực nên trong từng hành động, lĩnh vực, việc làm đều phải hướng về người dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, không phân biệt bất cứ ai” - người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM yêu cầu.
Từ tinh thần đó, ông kêu gọi các thành viên Ban chỉ đạo quyết tâm với tinh thần cao nhất, biểu thị lòng yêu nước bằng hành động sống, việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng lời nói.
Ông cũng yêu cầu phải có sự gắn kết, phối hợp các hoạt động ngay từ lúc này, mỗi một cuộc họp mặt, mỗi một tấm gương đều có ý nghĩa, giá trị. Toàn bộ các hoạt động kỷ niệm phải hướng trọng tâm về người dân, phục vụ người dân để người dân thụ hưởng giá trị sống.