Chỉ cơ sở y tế mới xử lý được tai biến trong sản và nhi khoa

Nhờ có trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhiều trường hợp trẻ em đã được cứu sống, nhiều ca sinh khó đã thành công… Đây là lý do để người dân vùng dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, chọn cơ sở y tế là nơi sinh đẻ.

Nhiều ca khó được cứu sống nhờ thiết bị y tế

Muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần phải có đồng bộ ba yếu tố: Đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng giỏi, tận tình; đầy đủ thuốc chữa bệnh; trang thiết bị y tế đầy đủ an toàn và hạ tầng cơ sở tốt. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khẳng định trang thiết bị y tế thuộc vào một chuyên môn của ngành y tế, nó thâm nhập và phát triển sâu rộng vào các kỹ thuật khám chữa bệnh của tất cả các chuyên khoa, bộ môn của ngành y tế. Trong thời kỳ phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ trên thế giới chỉ sau có công nghiệp vũ trụ, quốc phòng và an ninh, nên công nghiệp thiết bị y tế đã nhanh chóng ứng dụng những thành tựu mới nhất vào việc chẩn đoán và điều trị để đạt được mục tiêu cao nhất " vì sức khỏe của con người".

Sinh con ở cơ sở y tế là điều kiện căn bản để có cuộc sinh nở an toàn.

Sinh con ở cơ sở y tế là điều kiện căn bản để có cuộc sinh nở an toàn.

Chính bởi những lý do trên, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế trong cấp cứu sản khoa và cấp cứu sơ sinh cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp ở hầu hết các bệnh viện. Với đặc thù là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế còn ít nhiều hạn chế.

BS Nguyễn Thị Nhơn, Phó giám đốc BVĐK huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu Sản khoa và cấp cứu sơ sinh tương đối đầy đủ như: có khoa Phụ sản riêng, có phòng mổ cấp cứu, có đơn nguyên sơ sinh, có lồng ấp, máy tạo oxy... " Khó khăn nhất đối với chúng tôi hiện tại là thiếu nhân lực để học chuyên khoa , nhân lực ít được cập nhật những kỹ thuật mới, ít được đào tạo, đào tạo lại", BS Nhơn cho biết.

Với 1 bệnh viện vùng cao việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế là cần thiết với chúng tôi, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, làm ngắn lại khoảng cách giữa bệnh viện tuyến cơ sở với bệnh viện tuyến trên, giúp cho bệnh nhân cũng như cán bộ y tế ngày càng được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao, hạn chế những tai biến cho mẹ và con, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

"Trong những ca phẫu thuật cấp cứu lấy thai tôi nhớ rất rõ có 1 trường hợp được gia đình đưa vào Bệnh viện trong tình trạng mệt lả vì đau bụng ở nhà 2 ngày không đẻ được. Sau khi khám, tiên lượng sản phụ không thể đẻ tự nhiên được chúng tôi đã giải thích rất kỹ cho gia đình sản phụ và được sự đồng ý. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ chúng tôi thực hiện xong ca mổ. Lúc trao đứa trẻ cho gia đình, người nhà reo lên trong tiếng nghẹn ngào: "Trời ơi chúng tôi tưởng không được gặp con nữa, biết thế mình ra bệnh viện sớm hơn cho con đỡ khổ". Cảm xúc của môt bác sĩ khi đó cũng nghẹn ngào, tôi mới thấy rõ người dân nghèo vùng cao đã thực sự được hưởng trang thiết bị cần thiết.

Một trường hợp cũng rất đáng nhớ đó là khi Bệnh viện tôi lần đầu lắp máy siêu âm, tôi siêu âm cho 1 chị có thai khoảng 4 tháng. Lúc siêu âm tôi có chỉ cho chị ấy xem đây là đầu, đây là chân, đây là tay của con chị, định hình 1 lúc chị mới nhận ra hình hài con mình trên màn hình, chị đã reo lên ôi con kìa, con kìa. Sự vô tư và niềm vui sướng của chị khi reo lên đã khiến người bác sĩ đặc biệt là người con vùng cao như tôi thực sự xúc động; từ nay bà con ta đã được tiếp cận với trang thiết bị Y tế hiện đại rồi", BS Nguyễn Thị Nhơn kể.

Trăn trở về nhân lực

Từ thực tế 19 năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, BS Nguyễn Thị Nhơn nhận thấy khó khăn lớn nhất vẫn là không có nhân lực để đào tạo chuyên khoa. Do vậy, nhà nước nên có cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính cho đào tạo, cho tuyển dụng, lương, phụ cấp, thu hút...cho cán bộ y tế vùng khó khăn, đặc biệt với cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ là người địa phương.

Cần chú trọng tập trung xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa,

Đối với cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật, tạo niềm tin cho người dân. Phối hợp với các cơ quan đoàn thể như: Hội Phụ nữ, người có uy tín, trưởng thôn, bí thư các chi bộ thôn, tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục sức khỏe, xóa bỏ hủ tục lạc hậu mà Đảng bộ tỉnh Hà Giang đang triển khai

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu sản khoa và cấp cứu sơ sinh ở địa phương đang không ngừng được nâng cấp. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và con trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Thực trạng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi là thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% số bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ðáng chú ý, năng lực hạn chế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí); giao thông đi lại khó khăn do đặc thù vùng núi, cho nên nhân viên y tế khó tiếp cận, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.

Chính vì giao thông đi lại khó khăn, cơ sở y tế thì xa nơi dân ở, cho nên vẫn còn nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức không được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Ðể giải quyết vấn đề này, ngành y tế đang tập trung triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh: Tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở khu vực miền núi.

Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó ứng dụng trên điện thoại sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em nhằm thúc đẩy sinh con an toàn trong cộng đồng thiểu số các vùng dân tộc, vùng núi, vùng khó khăn; tuyên truyền sâu rộng cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai trong quá trình mang thai phải bảo đảm bốn lần khám trong suốt thời gian thai kỳ.

Cần chú trọng tập trung xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bởi đội ngũ này là cánh tay nối dài của ngành y tế, có thể giúp giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngành y tế khuyến cáo các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản phù hợp trong thời gian tới.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-co-so-y-te-moi-xu-ly-duoc-tai-bien-trong-san-va-nhi-khoa-169221128215746014.htm