Chỉ có ở nước Nga!

'Tình cảm chân thành như vậy chỉ có ở nước Nga', là câu Đại tá Nguyễn Văn Ngọc và Đại tá Dương Thành Trung thường hay xúc động nhắc đi nhắc lại về nước Nga thân thương. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, thăm hai Trưởng phòng Quân báo Quân khu 5 đã nghỉ hưu, chúng tôi thêm hiểu hơn tính cách, tâm hồn Nga vĩ đại.

“Tình cảm chân thành như vậy chỉ có ở nước Nga”, là câu Đại tá Nguyễn Văn Ngọc và Đại tá Dương Thành Trung thường hay xúc động nhắc đi nhắc lại về nước Nga thân thương. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, thăm hai Trưởng phòng Quân báo Quân khu 5 đã nghỉ hưu, chúng tôi thêm hiểu hơn tính cách, tâm hồn Nga vĩ đại.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội và thầy giáo Ngakhi tham quan nhà Lênin ở Moscow.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội và thầy giáo Ngakhi tham quan nhà Lênin ở Moscow.

Buổi trao quân hàm đáng nhớ

Trong ngôi nhà ở 561/31-Hoàng Diệu, Đà Nẵng, người lính trường chinh tuổi đã 86, mái tóc bạc phơ, bồi hồi lật giở từng tấm ảnh chụp ở nước Nga gần 40 năm trước. Học viện Vưtơren ở thành phố Moscow nơi Đại tá Nguyễn Văn Ngọc theo học là trường chuyên đào tạo cán bộ tình báo, nằm tách biệt khu dân cư, thâm nghiêm, lặng lẽ. Khóa ông là khóa đầu tiên trong số 4 khóa về ngành quân báo mà bạn bổ túc cho Việt Nam. Ông Ngọc kể: “Tôi đi học tình báo chiến dịch năm 1979 lúc đang là giáo viên khoa trinh sát của Học viện Quân sự cấp cao (Học viện Quốc phòng). Ở Quân khu 5 có anh Huỳnh Độ, lúc này là trợ lý quân báo, sau này là phó phòng. Ở bên nước mình, chúng tôi chủ yếu thiên về trinh sát bộ binh. Qua bên bạn, được học thêm về tình báo vũ trụ, trên không, mặt đất, mặt biển, trinh sát đặc biệt... Các thầy luôn nói, người sĩ quan quân báo phải có kiến thức toàn diện để có thể nắm địch giỏi nhất và biết về quân mình rõ nhất”. Không có gì lạ khi ở Liên Xô thời đó, ngành quân báo được coi trọng đặc biệt, trưởng phòng quân báo được xem như phó tư lệnh. Không chỉ dạy tầm vĩ mô mà các thầy còn chỉ bảo tỉ mỉ từ động tác gọt bút chì sao cho vẽ đồ bản nhanh và sắc nét. 10 người trong lớp ông Ngọc đều đã từng trải, kinh qua chiến đấu, được bạn dành tình cảm đặc biệt và cũng rất cầu thị. Có lần giảng về một tình huống trinh sát mà những anh bộ đội quân giải phóng đã gặp trong chiến tranh, nhưng thầy xử lý khác, trò ý kiến, thầy liền chấp nhận phương án của Việt Nam…

Ký ức ùa về, ông Ngọc bật cười khi nhớ đến thầy Ka-tu-xep, môn trinh sát chiến dịch, là người có “tửu lượng” hàng cao thủ. Có lần, ngày nghỉ thầy mời ông về nhà chơi và đem rượu ngâm ớt ra uống. Cứ ngỡ trò chỉ học giỏi, chứ không thể nào uống rượu giỏi bằng mình. Không ngờ rằng học viên này đã từng ở chiến trường Trị Thiên hàng chục năm, ăn ớt như ăn rau. Người vợ thấy “trận chiến” căng thẳng, vội quay sang ông Ngọc: “Thôi chú “tha” cho anh ấy”. Chính những kỷ niệm nho nhỏ đã gắn chặt thầy và trò với nhau. Một vinh dự trong những ngày ở nước Nga là ông được phong quân hàm Thượng tá, cùng lúc với hai đồng đội được lên Trung tá là Phạm Tuân và Nguyễn Đức Soát (nay là Trung tướng, AHLLVTND) đang học về ngành vũ trụ và không quân. Buổi lễ trao quân hàm của ba người tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga có sự chứng kiến của bạn. Niềm vui ấy càng lan tỏa khi về đến trường từ thầy giáo đến các nhân viên phục vụ đều chúc mừng ông thật nồng nhiệt. Cảm động nhất là bà văn thư Xen-cô-vo, khi ông Ngọc về nước, bà vẫn viết thư qua lại thăm hỏi suốt một năm và vẫn nhắc đến lần phong quân hàm ấy. “Tình cảm chân thành như vậy chỉ có ở nước Nga”-ông Ngọc xúc động.

Một kỷ niệm nữa là khi ông gặp lại những người bạn Nga là chuyên gia sang giúp Quân khu 5 diễn tập phòng thủ năm 1982. Đã được học cặn kẽ, lại có một đại tá về ngành quân báo của bạn sang cố vấn bài binh bố trận, diễn tập lần đó ông đã tham mưu cho Thiếu tướng Đoàn Khuê, Tư lệnh Quân khu 5 đánh giá sát đúng tình hình địch ta, được cố vấn Liên Xô sang dự diễn tập cho điểm cao nhất. Tình cảm với nước Nga sâu đậm trong ông và ảnh hưởng nhiều đến các con. Một cô con gái học Đại học Sư phạm môn tiếng Nga. Người con trai cả Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam trước đây cũng đã từng có nhiều năm học tiếng Nga phục vụ nghiên cứu sinh. Hiện nay, sức khỏe đã giảm nhưng ông Ngọc luôn theo dõi tin tức về nước Nga trên báo đài và rất tin tưởng những nhà lãnh đạo nước Nga hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (trái) và Đại tá Dương Thành Trung cùng xem lại kỷ niệm ở Nga.

Ngày thứ hai đặc biệt

Đại tá Dương Thành Trung đi học ở Nga năm 1986, lúc là phó phòng quân báo Mặt trận 579 và đang ở chiến trường K. Từ người lính cầm súng được rút về đi học, ông không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi tình cảm của các thầy ở Học viện Vưtơren và niềm tự hào được đến nước Nga tươi đẹp đã giúp ông hòa nhập rất nhanh. Đây là thời kỳ đất nước Liên Xô đã bắt đầu có những biến động âm ỉ về chính trị. Dù đây đó đã dấy lên tư tưởng bài xích lãnh tụ, thế nhưng trường của ông, tấm ảnh Đại nguyên soái Stalin vẫn được treo rất trang trọng ở hội trường. Gần như sự thay đổi bên ngoài không ảnh hưởng gì đến quân đội nước bạn. Các thầy bày tỏ sự khâm phục đặc biệt với người lính Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Họ cho rằng đây là thắng lợi trên cả hai mặt quân sự và chính trị của Việt Nam.

Đại tá Dương Thành Trung nhớ lại: “Thầy trưởng khoa trinh sát chiến dịch là Sơ-mi-nốp từng có 3 tháng làm cán bộ quân đoàn của Liên Xô ở Apganistan. Biết tôi ở chiến trường K suốt 9 năm, ông rất quan tâm và thường xuyên hỏi về mặt trận hoặc tình hình giúp dân Campuchia xây dựng cuộc sống sau mất mát, đau thương. Tôi trả lời thẳng thắn và ông luôn gật đầu với vẻ đồng tình. Ông thường hay nói: “Quân đội Việt Nam đã làm được điều tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được!”

Yêu mến Việt Nam hơn cả phải kể đến ông Trưởng hệ của Học viện. Sáng thứ hai hàng tuần, Học viện duy trì chào cờ. Gần 200 học sinh của tất cả các nước xếp thành hình chữ U. Ông Trưởng hệ đi dọc các hàng quân và giơ tay chào. Nhưng đến đoàn Việt Nam, ông dừng lại lần lượt bắt tay cả 9 học viên và 2 phiên dịch rồi sau đó ôm hôn lớp trưởng Vũ Trọng Hóa. Cứ như thế, đã thành nếp, trong suốt năm học, đến sáng thứ hai chào cờ, học viên Việt Nam lại được ông dành cho sự ưu ái nhất. Ông Trung cho rằng, không có gì có thể đong đếm hết tình cảm của những người bạn Nga dành cho Việt Nam. Đó là những chuyến tham quan sau mỗi kỳ nghỉ đến các danh lam thắng cảnh ở Moscow; đón những đêm trắng tuyệt vời ở Lê-nin-grat mà trước đây ông chỉ biết qua tác phẩm “Đêm trắng” của Đốt-xtôi-ép-xki. Có khi cả đoàn đến tận biên giới giữa Nga và Phần Lan. Tình cảm đó còn thể hiện khi lên tàu điện hay bất cứ đâu, gặp người lính Việt Nam, những người bạn Nga lại ôm hôn rất chặt dù không hề quen biết. Khi học viên ra chợ, các mẹ, các chị dành cho những miếng thịt to nhất và bó rau tươi nhất. Ông nhớ mãi được một cụ lão áp cả bộ râu dài vào má, rồi giơ một ngón tay lên, có ý nói Việt Nam “số một”.

Đại tá Dương Thành Trung cho rằng, những ngày tháng học ở Nga đã mở cho ông chân trời kiến thức để làm tốt cương vị Trưởng phòng Quân báo Quân khu 5 suốt 15 năm. Nhớ về các thầy giáo Nga với ông, lòng biết ơn chưa đủ mà đó còn là tình cảm thiêng liêng và lòng ngưỡng mộ về tính cách và tâm hồn Nga.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_174507_chi-co-o-nuo-c-nga-.aspx