Chỉ có người tốt mới biết người khác tốt

'Một con tim nhân từ còn quý giá hơn ngàn bộ não trong thế gian'- Bulwer Lytton (1803-1873)

Một nhóm sinh viên năm cuối tranh luận với nhau về lẽ sống ở đời.

- Theo tôi, chỉ có người giỏi mới biết người khác giỏi.

- Hoàn toàn đúng, tôi tán thành.

Một bạn đeo kính cận thị nặng, đứng lên hào hứng giải thích:

- Này nhé, như tôi đây học đánh ghi-ta 4 năm rồi, nát cả ngón tay mà nghe chẳng khác gì tiếng thợ bật bông ngày xưa. Khi nghe những tay điêu luyện múa 10 ngón tay trên phím đàn mới thấy đáng kính, đáng phục. Tức là phải biết, phải giỏi cái chuyên môn nào mới biết được cái giỏi của người khác. Còn bọn “gà mờ” thì cái gì cũng tưởng làm được, nhưng hóa ra chẳng biết cái gì cả.

Thế rồi nhiều ví dụ đưa ra để chứng minh cái định đề triết học “Chỉ có người giỏi mới biết người khác giỏi” thấy rõ trong các ngành kỹ thuật như vi tính, thông tin mạng, kỹ thuật số và các ngành chuyên sâu khác... Nhìn chung mọi người tham dự đều thống nhất với định đề này.

Nhưng sang đến phần tranh luận thứ hai về lẽ sống ở đời là “Chỉ có người tốt mới biết người khác tốt” thì xem ra không khí có vẻ chững lại, không dễ nhất trí như phần thảo luận trước.

- Theo tôi, cái khó ở chỗ thế nào là “người tốt” và “người khác tốt”? Ai dám nhận mình là người tốt? Ai dám đánh giá người khác là tốt hay xấu?

- Thế chả nhẽ đành chịu à?

- Có cách, có cách. “Cứ từ từ thì khoai sẽ nhừ”.

Theo Từ điển tiếng Việt trang 934 thì: “Tốt là: 1/ Có phẩm chất, chất lượng cao hơn mức bình thường. Thí dụ: giấy tốt, vải tốt, văn hay chữ tốt, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, “Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người” (ca dao). 2/ Có những biểu hiện đáng quý về tư cách, đạo đức, hành vi, quan hệ được mọi người đánh giá cao. Thí dụ: gương người tốt việc tốt, người bạn tốt. 3/ Vừa ý, không có gì làm cho phải phàn nàn. Thí dụ: kết quả tốt, máy chạy tốt, đoàn kết tốt. 4/ Thuận lợi, có khả năng mang lại nhiều điều hay. Thí dụ: thời tiết tốt, bệnh có tiến triển tốt”.

Qua gợi ý của Từ điển tiếng Việt, ta dễ dàng đặt ra những câu hỏi sau đây:

- “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đúng. Nhưng làm sao biết được chất gỗ đã được sơn, phủ lòe loẹt bên ngoài thì bên trong chất lượng ra sao, còn tốt hay đã sắp mục rồi? Chẳng ai dám chắc điều gì.

- Người xưa thường dạy: Họa hổ, họa hình nan họa cốt / Tri nhân tri diện bất tri tâm (tạm dịch: vẽ con hổ chỉ vẽ được cái hình dáng bên ngoài của nó, chứ ai biết được cái bộ xương của nó ra sao. Nhìn vào một con người chỉ có thể biết được hình thức bên ngoài của họ, chứ có ai biết được lòng dạ họ thế nào).

Thành ra nói như câu ca dao “Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người” cũng không rõ nghĩa cho lắm. Có thí sinh thi hoa hậu lý luận rằng: “Thế nhỡ có người đẹp cả người, đẹp cả nết thì sao? Hoặc có người xấu cả người, xấu cả nết thì sao?”... Lý luận này đã từng làm Ban Giám khảo phải lúng túng! Lý luận này cũng khiến tất cả chúng ta phải lúng túng vì nó chạm vào vấn đề hóc búa nhất trong triết học, trong luân lý giáo dục, trong cách học làm người. Vấn đề đó là: trong một con người có cả cái xấu có cả cái tốt xen kẽ, giữa bên ngoài (hình thức) và nội dung bên trong (bản chất) cũng lắm khi thống nhất, cũng lắm khi mâu thuẫn. Ấy thế mới khó, mới đòi hỏi phải học, học nữa, học mãi mới nhận biết được.

Trong thực tế đời sống, những người tốt bụng, những người lương thiện thường âm thầm làm việc tốt để đóng góp cho xã hội. Những việc làm của họ thường rất đơn giản, rất đời thường nhưng đem lại hạnh phúc, đem lại niềm vui, niềm tin cho người khác. Một tiếng giầy êm nhẹ của người bác sĩ đi đến sát giường bệnh, âu yếm nắm tay, nhẹ nhàng thăm hỏi thân tình người bệnh cũng đã làm vơi nhẹ bao nỗi đau đớn, lo âu, có khi nhờ sự tin tưởng vào người thầy thuốc mà người bệnh đã giảm nhẹ cơn sốt, giảm nhẹ cơn đau. Những việc làm vừa kể trên của người bác sĩ đã chứng tỏ ông là người tốt, đã xoa dịu nỗi đau của một đồng loại, của một đồng bào. Rồi những việc làm âm thầm, lặng lẽ của anh công an đi tuần ban đêm để giữ yên giấc ngủ cho chúng ta, chị công nhân quét rác ban đêm để làm cho thành phố sạch sẽ lúc ban mai... Chao ôi, có biết bao tấm gương tốt đẹp của bao con người vô danh. Chính nhờ có họ mà xã hội ngày càng phát triển, ngày càng giầu mạnh. Chính nhờ có lòng tốt của họ mà con người có lòng tin vào cuộc sống, vào ngày hôm nay, vào ngày mai, vào tương lai. Đúng như nhà hiền triết người Anh – Francis Bacon (1561–1626) đã khẳng định: “Lòng tốt, không thể chối cãi được, là một đức tính đứng đầu trong mọi đức tính” (La bonté est incontestablement la premìere de toutes les vertus). Những người tốt đang làm những việc tốt một cách thầm lặng, thầm lặng dâng hiến, thầm lặng tạo niềm vui cho người khác. Những người tốt này, những người tử tế này làm việc tốt một cách âm thầm, không muốn cho ai biết. Vì sao thế? Chính vì họ là những người thực sự lương thiện, thực sự thấm nhuần triết lý cổ học Đông phương “Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện” (tạm dịch là: Làm việc thiện mà để cho người khác biết thì không còn là việc thiện nữa). Cao quý thay cho bao nhiêu tấm lòng thiện nguyện mà không muốn lộ ra, không muốn cho người khác biết. Vấn đề ở chỗ là những người làm công tác truyền thông phải chịu khó đi sâu đi sát để phát hiện ra những tấm gương người tốt việc tốt để nhân rộng trong xã hội, làm gương cho thế hệ trẻ khi mà xã hội đang có nhiều sự cám dỗ của đồng tiền, của vật chất.

Điều rất đáng mừng là trên các phương tiện truyền thông như các đài truyền hình, đài truyền thanh, các tờ báo giấy, các báo mạng... hàng ngày đều đưa tin về các tấm gương người tốt việc tốt. Đây là những tín hiệu vui cho một xã hôi đang phát triển, đang tiến lên. Chính các phóng viên, các cộng tác viên là những người tốt bụng, tốt tính, hay làm điều tốt, hay làm điều thiện nên họ mới có cái hứng thú đi tìm những người tốt, những việc tốt trong các giới, các ngành, các tỉnh, thành phố trên khắp đất nước ta. Họ đã góp công tạo ra một vườn hoa quý, vườn hoa đẹp nhờ phát hiện ra được những bông hoa đẹp ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều nhà báo, nhà văn, cộng tác viên đã được Nhà nước khen thưởng xứng đáng vì những phát hiện của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả đất nước ta là một vườn hoa đẹp”. Việc phát hiện ra, nhân rộng ra các điển hình tiên tiến ấy là một công việc thầm lặng nhưng thực sự quan trọng và cần thiết trong mọi giai đoạn của công cuộc xây dựng đất nước.

Nên nhớ mãi câu nói sau đây của triết gia Bulwer Lytton (1803-1873): “Một con tim nhân từ còn quý giá hơn ngàn bộ não trong thế gian” (A good heart is better than all the heads in the world).

Nên nhớ mãi câu nói của Đại Thi hào Việt Nam - Nguyễn Du (1765-1820) đã được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới: “Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Thì ra từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim, ở đâu chữ Tâm, lòng tốt, lòng thiện, lòng thương người, lòng trắc ẩn cũng là những viên ngọc quý không gì sánh nổi. Việc ta tìm ra những người tốt việc tốt để ca ngợi, để làm gương cho người khác là việc nên làm, đáng làm. Ta phải thán phục, ta phải biết ơn, ta phải ham muốn học theo người tốt, làm theo người tốt thì ta mới tập trung tư tưởng, bỏ công bỏ sức để phát hiện, để tìm ra những viên ngọc quý ấy cho đời.

Ước mong xã hội chúng ta ngày càng có nhiều người tốt để phát hiện ra, nhân rộng ra các tấm gương tốt trong cuộc sống, trong lao động cống hiến và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chi-co-nguoi-tot-moi-biet-nguoi-khac-tot-tintuc442471