Chỉ có Nga mới cứu thế giới khỏi 'Thế chiến hạt nhân'?

Giới chức lãnh đạo Nga cho rằng, hiện chỉ có Nga mới đủ khả năng giải cứu thế giới khỏi Chiến tranh thế giới thứ 3 - một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nhân loại.

Các quan chức quốc phòng Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này, mà nòng cốt là các trạm radar cảnh báo sớm tên lửa và vệ tinh quân sự trong không gian có khả năng phát hiện, giúp Nga ngăn chặn những vụ tấn công tên lửa hạt nhân vào lãnh thổ Nga.

Không những thế, với những trạm radar cảnh báo tên lửa tầm xa tới 6.500km, Nga có khả năng kiểm soát các vụ phóng tên lửa hạt nhân trong phạm vi phân nửa trái đất, giúp thế giới tránh khỏi thảm họa diệt vong.

Hiện Nga đang sở hữu dàn radar cảnh báo sớm tên lửa hùng hậu bao gồm radar Voronezh-DM với tầm bao phủ 6.500km, radar Dnepr có cự li quan sát 2.500-3.500km, Radar Container có thể bao phủ gần hết châu Âu với phạm vi quét 3.000km và radar Don-2N (Pill Box) có khả năng giám sát xa tới 2.000km.

Với dàn radar hùng hậu như trên và hệ thống vệ tinh quân sự, trong năm 2013, Lực lượng phòng thủ vũ trụ đã phát hiện được khoảng 40 vụ phóng tên lửa trên toàn cầu, không bỏ sót bất cứ một vụ phóng nào.

Còn trong năm 2014, hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga đã theo dõi được tất cả các vụ phóng tên lửa đạn đạo trên toàn thế giới, 6 lần cảnh báo về các vật thể vũ trụ tiến tới gần Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), phát hiện 189 thiết bị vũ trụ, trong đó có 161 thiết bị của nước ngoài.

Nga có thể cứu thế giới thoát khỏi thảm họa hạt nhân?

Việc không để sót bất cứ một quả tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy vệ tinh nào cho mức độ sẵn sàng chiến đấu cao và tính chuyên nghiệp của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga, đồng thời khẳng định, năng lực cảnh báo sớm tên lửa hạt nhân số 1 thế giới của họ không phải là điều khoa trương.

Khả năng phòng thủ tên lửa của Nga hiện nay được thừa kế và phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ vũ trụ hàng đầu thế giới của Liên Xô. Tuyên bố của Nga về việc có thể cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân, trước đây đã có một ví dụ minh chứng.

Ngày 25-01-1995, Na Uy phóng một tên lửa đẩy mang vệ tinh khí tượng lên khoảng không vũ trụ, có quỹ đạo bay về hướng nước Nga, nhưng không hề có thông báo về sự việc này. Điều đó đã khiến cả thế giới đến gần một thảm họa hạt nhân nhất.

Các radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Nga đã phát hiện một quả “tên lửa đạn đạo liên lục địa” chưa xác định được chủng loại và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ khu vực phụ cận Spitsbergen - Na Uy, hướng thẳng về phía nước này.

Các hệ thống chỉ huy, kiểm soát lực lượng phòng thủ tên lửa và lực lượng hạt nhân chiến lược Nga ngay lập tức được đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất. Thông tin cũng ngay lập tức được báo cáo lên Tổng thống Nga, lúc đó là ông Boris Yeltsin.

Hệ thống radar Voronezh-DM của Nga có tầm bao phủ 6.500km

Giới lãnh đạo quân sự Nga cho rằng, đây có thể là một tên lửa đạn đạo liên lục địa của NATO, phóng từ căn cứ ở Na Uy tấn công vào Nga. Lúc này, các thiết bị đo đạc của Nga dự kiến tên lửa đạn đạo này chỉ mất khoảng 5 phút nữa là bay đến Moscow.

Ngay lập tức Tổng thống Boris Yeltsin và các lãnh đạo cấp cao nhất đã hội ý khẩn cấp qua đường dây tối khẩn để bàn về “cú phản đòn hạt nhân”, trong khi đó, các thông tin về đường bay và khoảng cách của tên lửa này liên tục được xác định và cập nhật.

Sau này, ông Yeltsin thừa nhận, trong thời khắc sinh tử đó, chiếc “Vali hạt nhân” huyền thoại được truyền qua các đời Tổng thống Liên Xô, sau này là Nga, đã được chuyển đến trước mặt ông, buộc vị Tổng thống đầu tiên của Nga đối diện với một quyết định lịch sử, có thể hủy diệt thế giới.

May mắn cho thế giới là trong vòng 5 phút nghẹt thở đó, các hệ thống radar cảnh báo tên lửa Nga đã kịp xác định đó chỉ là một tên lửa đẩy chứ không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sau đó, Moscow đã nổi khùng lên vì sự bất cẩn của Na Uy suýt nữa đã giết chết toàn nhân loại.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/chi-co-nga-moi-cuu-the-gioi-khoi-the-chien-hat-nhan/704120.antd