Chỉ có 32% người tiêu dùng Việt tin tưởng vào việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về những rủi ro an ninh mạng và nguy cơ dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, theo kết quả nghiên cứu mới nhất do Microsoft và IDC công bố ngày 17/6.

Một nghiên cứu thực hiện bởi Microsoft và IDC Châu Á/Thái Bình Dương mang tên "Tìm hiểu niềm tin của người tiêu dùng đối với dịch vụ số ở Châu Á Thái Bình Dương" chỉ ra rằng tại Việt Nam, cứ 3 người thì chưa đến 1 người tiêu dùng (32%) tin rằng dữ liệu cá nhân của họ được các tổ chức cung cấp dịch vụ số xử lý một cách đáng tin cậy.

 Người tiêu dùng đã ý thức về sự an toàn khi giao dịch số. Ảnh:GLP

Người tiêu dùng đã ý thức về sự an toàn khi giao dịch số. Ảnh:GLP

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về những rủi ro an ninh mạng và nguy cơ dữ liệu cá nhân bị xâm phạm đến từ không chỉ tội phạm mạng mà còn từ các tổ chức nắm giữ dữ liệu cá nhân của họ.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu kỳ vọng về lòng tin của người tiêu dùng, khám phá trải nghiệm của họ khi sử dụng dịch vụ số, đồng thời giúp các tổ chức xây dựng và duy trì niềm tin của người tiêu dùng trong thế giới số tốt hơn.

Người tiêu dùng lo ngại nhiều về sự bảo mật, sự ổn định và quyền riêng tư. Đồ họa: Microsoft

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: “Sở hữu nền tảng kỹ thuật số đáng tin cậy sẽ là một lợi thế lớn của doanh nghiệp, đặc biệt vì Việt Nam là một trong những thị trường mà dịch vụ số phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khi gần như tất cả các giao dịch và tương tác sẽ được số hóa trong tương lai gần".

“Hầu hết người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào công tác quản lý dữ liệu của các doanh nghiệp. Tôi kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp hãy nỗ lực hơn để tìm ra yếu tố thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, tập trung xây dựng niềm tin và biến nó thành lợi thế cạnh tranh chủ chốt cho các dịch vụ số của mình” Ông Phạm Thế Trường chia sẻ thêm.

Nghiên cứu này được thực hiện với sự tham gia của 453 người tiêu dùng tại Việt Nam. Đáp viên đưa ra ý kiến của họ trên năm yếu tố niềm tin, đó là quyền riêng tư (privacy), bảo mật (security), sự ổn định (reliability), đạo đức (ethic) và tuân thủ (compliance) - khi sử dụng dịch vụ số.

5 yếu tố quan trọng: bảo mật, quyền riêng tư, đạo đức, tính tuân thủ, sự ổ định được người tiêu dùng quan tâm khi giao dịch số. Đồ họa: Microsoft

Nghiên cứu cho thấy rằng người tiêu dùng đánh giá cả năm yếu tố niềm tin đều quan trọng, gần như ngang nhau. Trong đó, bảo mật (90%), quyền riêng tư (89%) là hai yếu tố quan trọng nhất. Người tiêu dùng có kỳ vọng về niềm tin cao nhất với các tổ chức dịch vụ tài chính, tiếp theo là chính phủ và các tổ chức giáo dục.

Nghiên cứu chỉ ra người tiêu dùng ở Việt Nam cho rằng chính phủ (38%) nên đi đầu trong việc xây dựng niềm tin, tiếp theo là các công ty công nghệ (32%).

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chi-co-32-nguoi-tieu-dung-viet-tin-tuong-vao-viec-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-164919.html