Chỉ có 30% xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn siêu lãi

Mặc dù là quy định bắt buộc và đã triển khai 10 năm nay nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với xe máy mới chỉ đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn siêu lãi…

Dễ dàng mua BH xe máy ngay tại vỉa hè nhưng người mua cũng không hiểu loại BH nào là bắt buộc, loại nào là tự nguyện(ảnh:Tienphong)

Dễ dàng mua BH xe máy ngay tại vỉa hè nhưng người mua cũng không hiểu loại BH nào là bắt buộc, loại nào là tự nguyện(ảnh:Tienphong)

Đang có sự nhầm lẫn giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện

Bảo hiểm (BH) trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là loại hình BH bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật kinh doanh BH. Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 8 của Luật kinh doanh BH, quy định chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và doanh nghiệp (DN) BH có trách nhiệm thực hiện BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo Quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ Tài chính quy định. Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí BH đối với xe mô tô 2 bánh (xe máy) từ 50cc trở xuống là 55.000 đồng, trên 50cc là 66.000 đồng (đã gồm VAT).

Tuy nhiên trong thực tế, người dân dễ dàng táp vào vỉa hè mua BH cho xe máy với giá 20.000 đồng, thậm chí chỉ 10.000 đồng. Việc mua bán càng nhộn nhịp hơn khi lực lượng công an đang triển khai tổng kiểm soát giấy tờ xe từ nay đến hết ngày 14/6 trên phạm vi cả nước mà Giấy chứng nhận BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là một trong các giấy tờ phải xuất trình…

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính), người dân đang có sự nhầm lẫn giữa BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và BH tự nguyện.

Ông Khánh cho biết, việc người dân có thể mua BH từ công ty tới vỉa hè là phụ thuộc vào hình thức bán sản phẩm BH của từng DN BH theo quy định của pháp luật kinh doanh BH.

Tuy nhiên, cần có sự phân biệt giữa BH TNDS của chủ xe cơ giới với BH tự nguyện. Với BH TNDS, đây là BH bắt buộc, phí BH là 55.000 đồng (xe từ 50cc trở xuống) và 66.000 đồng (xe trên 50cc); Mức bồi thường, đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng/vụ tai nạn do xe ô tô gây ra, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra. Mức hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng/người/vụ.

Với BH tự nguyện, đây là sản phẩm BH do DN BH chủ động xây dựng, triển khai theo quy định của pháp luật kinh doanh BH và quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với DN BH để tham gia hợp đồng BH tự nguyện về trách nhiệm đối với người ngồi trên xe (không phải lái xe). Phí BH đối với BH tự nguyện này là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người có giá 20.000 đồng/2 người/năm, tương ứng với mức trách nhiệm BH là 10 triệu đồng/người/vụ.

Doanh nghiệp bảo hiểm lãi to!

Thông tin tại buổi họp báo tuần qua, đại diện Cục Quản lý, giám sát BH cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện chế độ BH bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tăng cường trật tự xã hội. Tuy nhiên tỷ lệ tham gia BH của xe máy trên cả nước còn thấp, chỉ khoảng 30% là xe máy trong tổng số gần 60 triệu xe (ôtô là 90% với 3 triệu xe)

Cũng theo số liệu của cơ quan này, tổng doanh thu phí BH TNDS năm 2019 ước tính là 3.590 tỷ đồng, trong đó xe máy là 765 tỷ đồng; Số tiền bồi thường BH (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính là 972 tỷ đồng, trong đó xe máy là 45 tỷ đồng (chưa tính các khoản chi phí của DNBH như hoa hồng BH (xe máy 20% doanh thu), chi phí kinh doanh trực tiếp, chi phí quản lý DN.

Như vậy, nếu không tính các khoản chi phí, đối với xe máy, DN BH thu về 765 tỷ đồng nhưng chỉ phải chi trả 45 tỷ đồng ( tỷ lệ 17/1). Đây là con số nhiều ngành nghề kinh doanh khác nằm mơ không thấy!

Không hiểu về các loại hình BH, mua BH chủ yếu là để đối phó khi bị kiểm tra mà chưa hiểu rõ trách nhiệm quyền lợi của mình đang là thực tế hiện nay. Thậm chí, người tham gia BH bắt buộc TNDS nhưng trong trường hợp tai nạn xảy ra cũng quên luôn mình được BH hoặc bỏ qua bởi các thủ tục “được vạ thì má đã sưng”

“Thủ tục bồi thường BH xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi bổ sung!”- Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát BH, ông Phùng Ngọc Khánh thừa nhận.

Ông Khánh cho rằng hồ sơ bồi thường đối với BH xe máy gây đang khó khăn cho người mua BH do thủ tục rườm rà. Đặc biệt, đó là việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an. Trong khi đó, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Phí BH được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện…

Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát BH, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP. Theo đó sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường BH theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các DN BH trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường.

10 năm chi phí tuyên truyền 21,6 tỷ đồng

SBộ Tài chính cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 103/2008/NĐ-CP, đã giải quyết bồi thường BH cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ; Thực hiện tuyền truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức như phương tiện đại chúng và trực tiếp tới người dân với tổng chi 21,6 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng các công trình đề phòng, hạn chế tổn thất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan...(75 công trình với tổng chi trên 90 tỷ đồng).

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chi-co-30-xe-may-tham-gia-bao-hiem-bat-buoc-doanh-nghiep-bao-hiem-van-sieu-lai-518981.html