Chỉ chuyển tuyến cho bệnh nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, yêu cầu tất cả các bệnh viện chỉ được cho bệnh nhân chuyển tuyến khi có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đến nay đã có nhiều bệnh viện phải phong tỏa. Các bệnh viện là nơi đón nhận người bệnh trong khi những người nhiễm COVID-19 thường ít hoặc không có triệu chứng. Nếu bệnh viện để lọt ca nhiễm COVID-19 sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: H.T

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: H.T

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến cuối chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến dưới, hoặc chuyển đến các bệnh viện khác khám chữa bệnh theo chuyên khoa khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong trường hợp bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên, không yêu cầu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Khẩn trương chuyển người bệnh vào buồng cấp cứu sàng lọc để thực hiện hồi sức cấp cứu cho người bệnh, đồng thời sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Khi tiếp nhận người bệnh do tuyến dưới hoặc bệnh viện khác chuyển đến không phải trường hợp cấp cứu, bệnh viện phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ. Nếu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ phải đưa vào khu cách ly và buồng cách ly để sàng lọc lại hoặc lấy mẫu xét nghiệm SARS CoV-2.

Các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển lên tuyến trên. Trừ các trường hợp có diễn biến nặng, bệnh phức tạp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhân viên y tế giám sát khai báo y tế tại cổng bệnh viện Ung Bướu. Ảnh: H.T

Trước khi chuyển tuyến phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, thông báo và thống nhất với bệnh viện dự kiến tiếp nhận. Trong trường hợp nghi ngờ, phải cách ly ngay tại bệnh viện tuyến dưới, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và chỉ chuyển tuyến khi kết quả xét nghiệm âm tính.

Các bệnh viện tăng cường hội chẩn trực tuyến giữa các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến cuối và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn, bổ sung các chuyên khoa còn thiếu theo quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-chuyen-tuyen-cho-benh-nhan-khi-co-ket-qua-xet-nghiem-am-tinh-n192898.html