Chỉ cho phép tàu rời cảng sau khi đã hoàn thành thủ tục

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan quản lý tại cảng biển trong việc giám sát tàu biển ra, vào cảng, chỉ cho phép tàu rời cảng sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất cảnh tàu biển và đã được Cảng vụ Hàng hải cấp phép tàu rời cảng.

Hoạt động XNK tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh

Đây là một trong những nội dung Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Cụ thể, liên quan đến xử lý tàu biển tự ý rời cảng, Tổng cục Hải quan cho biết theo Điều 67 Luật Hải quan: Phương tiện vận tải xuất cảnh phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng; điểm b Khoản 2 Điều 69 Luật Hải quan quy định thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh được thực hiện chậm nhất 1 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh.

Bên cạnh đó, điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) quy định xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không khai, nộp, xuất trình, cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đúng thời hạn quy định.

Do vậy, trường hợp tàu biển tự ý rời cảng không làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan sẽ căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) để xử lý.

Ngoài ra, trong văn bản, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc kiểm tra thực tế tàu biển khi có cơ sở xác định tàu biển có hàng hóa buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hóa trái phép.

Theo đó, Khoản 4 Điều 68 Luật Hải quan quy định về tuyến đường, thời gian chịu sự giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải như sau: “Khi có căn cứ cho rằng trên phương tiện vận tải có cất giấu hàng hóa trái phép, có dấu hiệu khác vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét…”.

Như vậy, quy định này áp dụng trong trường hợp phương tiện chuẩn bị khởi hành hoặc đang khởi hành theo hành trình mà phát hiện có vi phạm pháp luật thì phải ra quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét, sau đó mới tiếp tục ra quyết định khám xét theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại điểm b Khoản 1 Điều 67 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 38 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) về tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan, quy định: “Trường hợp có cơ sở xác định trên tàu biển có hàng hóa buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép, chi cục trưởng chi cục hải quan ra quyết định kiểm tra thực tế tàu biển hoặc thực hiện các biện pháp nghiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quy định này áp dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan đang tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đối với tàu biển mà phát hiện trên tàu biển có vi phạm thì quyết định kiểm tra thực tế tàu biển hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác.

Về nội dung của quy định kiểm tra thực tế tàu biển, được thực hiện khi cơ quan Hải quan đang tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đối với tàu biển (đang trong quá trình làm thủ tục hải quan, tương tự như kiểm tra thực tế hàng hóa) nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung này sẽ được Tổng cục Hải quan tiếp tục đưa vào quy trình hướng dẫn thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-cho-phep-tau-roi-cang-sau-khi-da-hoan-thanh-thu-tuc.aspx