Chỉ cắt điện, nước trong phạm vi hẹp, trong một số trường hợp rất đặc biệt

Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế.

Ngày 10-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi là việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.

Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế. Dẫn thực tế qua giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường năm 2018, 2019, đại biểu cho biết, có khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

“Chính quyền địa phương cũng rất bức xúc. Các tỉnh, thành chúng tôi đi qua khi được hỏi lý do vì sao thì họ đều trả lời là không có biện pháp bổ sung để thi hành. Họ kiến nghị cần có biện pháp này, tức ngừng cung cấp dịch vụ điện nước. Dự thảo luật đặt ra quy định này tôi nhất trí” đại biểu nói.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp tổ.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp tổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng ủng hộ cần quy định cơ chế này vì từ thực tế quá trình giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, dù đầy đủ các điều kiện rồi nhưng có trường hợp vẫn chây ỳ không chấp hành và việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng là biện pháp được tính đến.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật, xem biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước là biện pháp bổ sung ngăn chặn với hành vi vi phạm hành chính, chứ không phải là biện pháp cưỡng chế. “Đây là biện pháp sẽ tăng thêm chế tài với các hành vi vi phạm hành chính, nhất là với những ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, bà Khánh nói.

Khẳng định đây là đạo luật quan trọng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã cố gắng cao nhất để xử lý một số vấn đề thực tế phát sinh trong quá trình quản lý, áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhưng đảm bảo được sự dung hòa, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Về áp dụng một số biện pháp cưỡng chế như cắt dịch vụ điện, nước tại địa điểm xảy ra vi phạm. Về bản chất đã có sự thống nhất rằng đây là biện pháp áp dụng bổ sung để ngăn ngừa hoặc cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt hoặc áp dụng các biện pháp XLVPHC.

Điểm khác ở chỗ biện pháp này là cưỡng chế hay ngăn chặn? Chính phủ đề xuất là cưỡng chế theo hướng các biện pháp khắc phục hiện đang quy định trong Luật XLVPHC thì chưa có biện pháp cưỡng chế đối với đối tượng không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức xử phạt VPHC như đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nghĩa là chỉ thiết kế biện pháp này trong phạm vi áp dụng rất ít, hẹp, trong một số trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau nên Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-cat-dien-nuoc-trong-pham-vi-hep-trong-mot-so-truong-hop-rat-dac-biet-196928.html